Một số điều thú vị về khuynh hướng mua hàng của người tiêu dùng:
- Khả năng chi tiền để mua một món hàng được định giá 39 USD cao hơn so với khi nó được định giá 34 USD
- Khách hàng dễ quyết định mua hàng hơn khi dấu chấm trong giá tiền được bỏ đi (VD thay vì ghi giá 15.500 thì người bán có thể ghi 15500 để thu hút người tiêu dùng)
- Có cảm giác một món hàng rẻ hơn khi được viết bằng cỡ chữ nhỏ so với khi nó được viết bằng cỡ chữ lớn
- Có khuynh hướng chọn mua mặt hàng có giá và chất lượng trung bình khi để chung cùng chủng loại hàng hóa nhưng giá khác nhau.
- Sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua cùng một loại sản phẩm nếu nó được bán trong một nơi sang trọng so với khi nó được bán trong một cửa hàng tạp hóa.
Theo các chuyên gia, những cách định giá như trên có thể đem lại nhiều lợi ích kinh tế nhất định cho doanh nghiệp nhưng cũng có thể ảnh hưởng nhất định đến thương hiệu. Hãy cân nhắc kỹ trước khi áp dụng các chiến lược định giá.
Có những cách định giá phổ biến sau đây.
1. ĐỊNH GIÁ RIÊNG LẺ (UNBUNDLING)
Là cách định giá cho từng sản phẩm hay dịch vụ riêng lẻ thay vì định giá thành một “gói”.
Cách định giá này rất phổ biến trong ngành hàng không khi có rất nhiều dịch vụ cộng thêm được tính giá riêng. Trên thực tế, có những hãng như Spirit tạo ra gần 40% doanh thu từ những loại phí dịch vụ ngoài cước phí chính. Người tiêu dùng có lẽ chẳng thích thú gì với những loại phí này nhưng đành phải trả thêm tiền cho chúng vì họ đã ra quyết định mua vé dựa trên mức giá vé cơ bản chưa gồm các dịch vụ cộng thêm vốn rất hấp dẫn (như vé “0” đồng).
2. ĐỊNH GIÁ SO SÁNH (COMPARATIVE PRICING)
Người tiêu dùng sẽ khó đo lường giá trị của một sản phẩm/dịch vụ nếu họ không được so sánh nó với giá các sản phẩm/dịch vụ tương tự. Vì vậy, doanh nghiệp có thể định giá kiểu “30% off” (giảm giá 30% so với giá gốc) hoặc “tiết kiệm 30% so với các nhãn hiệu khác” để chứng tỏ rằng sản phẩm của mình có giá trị hơn sản phẩm của các công ty khác.
Chiến lược định giá này khá hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng và khiến họ đi đến quyết định mua hàng. Tuy nhiên, có khuyến cáo rằng doanh nghiệp nếu quá nhấn mạnh về giá trong thông điệp tiếp thị thì dễ có khả năng biến nhãn hiệu của mình thành một nhãn hiệu rẻ tiền.
3. ĐỊNH GIÁ TỰ ĐỘNG (AUTOMATIC PAYMENT)
Trường hợp khách hàng trả tiền đặt báo hằng tuần, tiền thuê bao dịch vụ truyền hình cáp hằng tháng là những ví dụ điển hình của cách định giá và thanh toán tự động. Cách định giá này phổ biến vì rất thuận tiện cho người tiêu dùng và thường làm cho họ không phải suy nghĩ nhiều về chi phí (vì nó đã được cố định) khi quyết định mua.
Đây cũng là một chiến lược định giá giúp dịch vụ taxi của Grab thành công. Thay vì cứ phải nhấp nhổm theo dõi đồng hồ khi ngồi taxi, người tiêu dùng nay có thể tin tưởng vào cách tính giá tự động theo hành trình khi khách gọi taxi qua Grab và yên tâm rằng mức giá đó sẽ cố định cho dù tài xế có đi theo bất cứ hành trình nào khác để đi tới điểm đến. Việc thanh toán lại được thực hiện bằng cách trừ tiền thẻ tín dụng của hành khách nên giúp họ giải quyết chuyện phải chuẩn bị một ít tiền mặt khi đi taxi.
4. ĐỊNH GIÁ NĂNG ĐỘNG (DYNAMIC PRICING)
Trong trường hợp định giá năng động, sản phẩm / dịch vụ có thể được điều chỉnh các mức giá cước khác nhau cho những thời điểm khác nhau trong ngày hoặc tháng, tương tự như cách tăng phí taxi trong giờ cao điểm. Cách định giá năng động giúp các công ty tăng thêm doanh thu hoặc bù đắp thêm chi phí, nhưng sẽ gây ra rủi ro là khiến người tiêu dùng đắn đo, giảm độ trung thành trong giai đoạn tăng giá.
5. ĐỊNH GIÁ CỐ ĐỊNH (FLAT PRICING)
Đôi khi, chính sự đơn giản và minh bạch là những yếu tố chinh phục khách hàng hiệu quả nhất. Thu phí cố định sẽ đem đến sự yên tâm cho khách hàng và thậm chí đặc biệt thành công ở một số khoảng thời gian đặc thù, chẳng hạn như trong đại dịch Covid vừa rồi - khi nhiều sản phẩm / dịch vụ thi nhau leo thang hoặc thay đổi giá liên tục.
Theo Cẩm nang CEO / BSI