fbplus.net

6 kiểu kinh doanh “ăn chắc” lỗ sấp mặt

Kinh doanh không phải là một trò chơi, càng không phải cứ ai kinh doanh cũng giàu. Nhiều câu chuyện thành công, nhưng đằng sau đó là vô số câu chuyện thất bại. Nhiều người khuynh gia bại sản chỉ vì sai ngay từ bước đầu tiên. Hãy lật tấm màn hào nhoáng của kinh doanh, xem đằng sau những vụ thua lỗ có gì nào!

1. Kiểu kinh doanh chắc chắn lỗ số 1: Ôm hàng mù quáng

Rất nhiều người kinh doanh ngoài kia như đánh một canh bạc, cứ quyết định theo cảm xúc mà không hề nghiên cứu, dựa trên con số cụ thể.

Bạn có thể thấy nhiều người lên mạng hô hào sản phẩm này tốt lắm, hiệu quả lắm. Họ thể hiện họ hoành tráng, sự giàu có như đổ ập về đến nơi.
Nhưng thực chất họ đang phải loay hoay với đống hàng tồn đã bỏ hàng đống tiền ra nhập về. Ôm hàng không bao giờ làm cho bạn giàu, nó chỉ khiến bạn đứng trước bờ vực thua lỗ trắng tay.

Đừng nhìn thấy người khác lung linh mà nghĩ rằng trong tay họ có vàng. Những gì bạn nhìn thấy rõ luôn là vàng giả. Bởi lẽ vàng thật luôn nằm sâu trong lòng đất chứ không lộ rõ thế.

Trong kinh doanh đầu tư luôn chia theo từng giai đoạn chứ không phải thả tiền một phát. Nhập hàng phải chia ra từng giai đoạn. Và giai đoạn chạy thử luôn quan trọng. Hãy nhập ít một, khi nào bán chạy mới nhập thêm. Thậm chí nhiều người thông minh họ làm ngược lại. Bán được hàng, khách hàng chuyển tiền rồi mới nhập về chuyển cho khách.

2. Kiểu kinh doanh chắc chắn lỗ số 2: Làm cùng bạn thân

Đây cũng là trường hợp hay gặp nhất. Nhiều người nghĩ rằng, bạn bè chơi với nhau nên làm ăn kinh doanh sẽ dễ hơn. Thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Bạn bè có thể chung sở thích, quý mến nhau nhưng thương trường khốc liệt không có chỗ dành cho tình cảm. Nếu bạn có ý định rủ những người bạn đang chơi làm cùng thì tôi khuyên bạn hãy dẹp bỏ ngay ý định đó.

Bạn phải tìm người cùng chung chí hướng, khả năng của họ là thứ cần có trong kinh doanh mà bạn không có để bù trừ cho nhau. Ví dụ: Nếu bạn giỏi về nhập sản phẩm, bạn phải tìm người giỏi về marketing, bán hàng, tìm người làm được về kế toán, thuế, người biết cách quản lý nhân sự, con người để tạo nên 1 đội cần có trong kinh doanh.

3. Kiểu kinh doanh chắc chắn lỗ số 3: Nhẹ dạ nghe theo người khác

Kinh doanh nghe theo người khác rồi làm theo là điều cực kỳ sai lầm. Thấy người khác kiếm được tiền rồi làm theo mà không hề có tính toán, chắc chắn mang lỗ vào người.

Ví dụ điển hình là bitcoin hay các mô hình đa cấp lừa đảo. Người đi trước có thể kiếm bội tiền nhưng kẻ đi sau chỉ mang tiền làm giàu cho người đi trước.

Người ta hay nói rằng: Người khác thành công bạn cũng có thể thành công. Thực tế hoàn toàn khác. Người khác kinh doanh thành công chưa chắc bạn đã thành công.

Bởi lẽ Kinh doanh muốn thắng phụ thuộc rất nhiều vào tính thời điểm. Có thể lúc họ làm thì làm được, nhưng đến khi bạn bước chân vào đã có quá nhiều người làm rồi, tỷ lệ thành công là cực kỳ khó.

Vậy nên đừng kinh doanh chỉ vì nghe theo, làm theo người khác. Trâu đến trước uống nước trong, Trâu đến sau uống nước đục. Đó là chân lý cần nắm nếu bạn không muốn bước chân vào con đường kinh doanh thua lỗ.

4. Kiểu kinh doanh chắc chắn lỗ số 4: Làm theo cảm hứng

Phúc Tài Chính rất tâm đắc với câu nói trong giới kinh doanh đích thực: Sự vĩ đại được tạo thành bởi những điều nhỏ bé được lặp đi lặp lại. Câu nói này đề cao sự đều đặn, liên tục. Quy tắc làm 6 ngày chơi 1 ngày là thứ nhất định phải kỷ luật làm cho đến khi thành công.

Làm theo kỷ luật chứ không phải cảm hứng. Cảm hứng luôn là thứ giết chết thành công.

Giống như một cửa hàng phải mở liên tục để đón khách nếu 3 ngày mở, 2 ngày đóng, chắc chắn khách hàng sẽ dần mất hết. Bán hàng Online ngày nào cũng phải trực inbox trả lời khách hàng cho dù 6 giờ sáng hay 11 giờ đêm.

Trước khi bước chân vào kinh doanh bạn phải xác định rõ tinh thần này. Nếu không chắc chắn lỗ.

5. Kiểu kinh doanh chắc chắn lỗ số 5: Muốn giàu nhanh

Tâm lý muốn giàu nhanh đã khiến bao người mờ mắt, chi tiền vô tội vạ tiêu hàng đống tiền. Không có cái gì dễ dàng. Mà cái gì đến dễ dàng cũng mất dễ dàng. Như xây một tòa lâu đài cát. Nhanh nhưng không thể đứng vững trước gió.

Kinh doanh là một hành trình đòi hỏi sự bền bỉ. Muốn thành công bền vững cần ít nhất 15 năm tích lũy chứ không phải 3, 4 năm như mọi người nghĩ. Đặc biệt giới trẻ ham hố khởi nghiệp để rồi ôm đống nợ.

Giống như trồng một cái cây, cần phải có thời gian để lớn. Cho dù bạn có bón nhiều phân đến mấy, nó cũng không lên được, thậm chí là chết. Kinh doanh cũng thế, nhất định phải cần thời gian để phát triển dần lên.

Hãy lắng nghe kỹ câu chuyện dưới đây để tránh tâm lý nóng vội làm hỏng đại sự: Vì tâm lý muốn có nhiều doanh số, nhiều tiền, một người chủ doanh nghiệp nhỏ đã thúc ép một nhân viên làm việc từ 8h sáng cho đến tận 10h, 11h đêm suốt 1 tháng ròng, hôm sớm nhất là 9h tối mới được nghỉ. Doanh số tháng đó tăng vọt, ông đã rất tự hào.

Tuy nhiên, ngay sau đó, người nhân viên đó đã nghỉ việc. Ông không thể tìm lại được người nhân viên nào hiểu việc, có khả năng, nhiệt tình và làm được việc như vậy lần thứ hai.

Chính vì tâm lý nóng vội, nhanh có nhiều tiền mà người chủ doanh nghiệp này đã mất đi rất rất nhiều tiền trong tương lai. Trong khi tuyển dụng người giỏi về làm luôn là vấn đề khó khăn nhất của bất cứ doanh nghiệp nào.

Bạn đã từng chỉ vì nóng vội một bước mà nhận lại những thua lỗ nặng nề chưa? Tâm lý kinh doanh nhất định phải vững và kiên trì từng bước nhỏ xây dựng. Đó là điều tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn đang đọc bài viết này.

6. Kiểu kinh doanh chắc chắn lỗ số 6: Không phân chia quyền lợi rõ ràng

Có 3 anh cùng chung vốn mở công ty dược. Người phụ trách kinh doanh, Người phụ trách sản xuất, Người phụ trách chuyên môn. Giai đoạn ban đầu mở công ty là lúc cực kỳ khó khăn.

Cả 3 đồng lòng xây dựng. Nhưng đến khi thành công, vì không rõ ràng trong việc phân chia lợi nhuận dẫn đến mâu thuẫn nội bộ lớn. Ai cũng nhận công sức của mình quan trọng nhất, phải được nhận phần hơn.

Đây là chuyện cực kỳ hay gặp hiện nay, khi một nhóm bạn kinh doanh cùng nhau, vì cả nể hay ngại mà không hề có quy ước % lợi nhuận ban đầu. Cũng như các điều khoản phải quy định. Bạn hãy luôn nhớ rõ ràng con số là sức mạnh trong kinh doanh.

Dù công việc đó có hấp dẫn đến mấy, dù jobs đó có hứa hẹn đem lại tiền nhiều đến mấy. Nếu không có con số rõ ràng trong việc tính lương, thưởng, lợi nhuận, những gì bạn được hưởng thì tuyệt đối không tham gia, không bỏ công bỏ sức vào đó.

Bởi lẽ ngay từ ban đầu đã không rõ ràng thì chắc chắn sau ngày không có cửa. Khi sức mạnh của đồng tiền làm mắt người khác mờ đi, ai cũng nghĩ mình quan trọng, muốn nhận nhiều hơn chứ không phải ít đi.

Sự mập mờ trong công việc sẽ lấy mất quyền lợi bạn được hưởng. Vì vậy đây là các câu hỏi bạn phải có đáp án rõ ràng trước khi bắt đầu tham gia vào vụ kinh doanh nào:

- Lương nhận hàng tháng là bao nhiêu?
- Nếu tính thưởng thì từng mức thưởng cụ thể như nào? từng con số và yêu cầu rõ ràng chứ không phải chỉ nói thưởng chung chung
- Nếu hợp tác cùng kinh doanh thì tỷ lệ % lợi nhuận bạn được nhận là bao nhiêu. 10, 20 hay 30, 50%. Chứ không phải kiểu cứ làm cùng đi rồi tính sau. Hay chỉ nói về những gì bạn sẽ làm mà không đả động đến quyền lợi của bạn được nhận.

Chính những con số trên sẽ quyết định việc bạn sẽ đầu tư công sức cho công việc kinh doanh đó đến đâu. Đặc biệt, nó sẽ giữ cho việc mâu thuẫn quyền lợi không bao giờ xảy ra vì ai cũng đã rõ ràng xác định ngay từ ban đầu.

Thực sự rất tiếc khi chứng kiến những công ty kinh doanh đang trên đà phát triển, cuối cùng dẫn đến phá sản chỉ vì mâu thuẫn quyền lợi nội bộ, rồi phải chịu lỗ.

Trong môi trường kinh doanh theo hướng tự phát nhiều hơn hiện nay, chưa có sự chuyên nghiệp cho những mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, chỉ như mấy người bạn làm cùng. Hãy hết sức lưu ý điều này nếu không muốn lỗ, vừa đảm bảo quyền lợi bản thân, vừa bảo vệ thành quả gây dựng chung.

Bước chân vào kinh doanh đòi hỏi bạn phải cực kỳ tỉnh táo. Chỉ cần chút sơ sẩy sẽ khiến bạn khuynh gia bại, chỉ cần chút tin người mù quáng sẽ biến bạn trở thành con mồi béo bở.

Tác giả: Phúc Tài Chính

Bài viết liên quan
  • 4 thủ thuật tâm lý kinh điển trong đặt giá sản phẩm
  • Bán hàng online: 10 bí quyết quan trọng để có doanh thu Khủng
  • 7 nguyên tắc về chiến lược kinh doanh hiện đại
  • Tất tần tật các lưu ý, chia sẻ kinh nghiệm mở shop kinh doanh, cửa hàng bán lẻ
  • 100 quy luật bất biến để thành công trong kinh doanh, làm giàu và cuộc sống
  • 5 lỗi cơ bản khi Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kho hàng và cách phòng tránh xử lý
  • 5 từ khóa cần ghi nhớ khi kinh doanh trên sàn TMDT
  • Facebook hạn chế bài đăng bán hàng trên news feed
  • 3 đặc điểm chính của người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam