Bạn đang tìm chiến lược phát triển kinh doanh hiệu quả? Công thức bí mật này chính là đáp án.
Bạn đau đầu vì chi phí để có được khách hàng ngày càng đắt đỏ, nên muốn tìm chiến lược phát triển kinh doanh hiệu quả hơn?
Nếu đúng thì xin chúc mừng vì Bạn đã đến đúng chỗ!
Tôi cũng đã từng khởi nghiệp, hiện tại cũng đang kinh doanh (cả doanh nghiệp và online) nên hiểu rất rõ điều Bạn đang lo lắng.
Trước khi đi tiếp tôi có điều cần làm rõ. Nếu Bạn đã và đang có khách hàng muốn phát triển kinh doanh lên tầm cao mới thì bài viết này là phù hợp. Còn nếu sản phẩm hay dịch vụ đang dừng ở mức ý tưởng thì Bạn cần phải kiểm chứng cho đến khi có khách hàng thì thôi.
Tin vui là, doanh nghiệp hay công việc kinh doanh của Bạn tiềm năng hơn Bạn nghĩ rất nhiều.
Nguyên nhân lớn nhất là có những yếu tố giấu mặt mà bạn chưa nhận diện để phát huy chúng mà thôi.
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta tập trung mục tiêu tăng trưởng doanh thu, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. (Vấn đề tăng lợi nhuận, Bạn phải tối ưu chi phí, và việc đó chúng ta sẽ đề cập ở bài viết khác).
Công thức phát triển kinh doanh
Theo bạn có bao nhiêu cách tăng doanh thu?
Tôi nghĩ bạn sẽ đoán là 10, 20 hay thậm chí hàng trăm.
Thực tế là chỉ có 3 cách mà thôi, không hơn :
- Tăng số lượng khách hàng (Customer) -> Gọi tắt là C
- Tăng giá trị trung bình trên 1 đơn hàng (Margin) -> Gọi tắt là M
- Tăng tần suất mua hàng lặp lại (Frequency) -> Gọi tắt là F
Vậy để tăng lợi nhuận, bạn cần phải tăng (hoặc/và) C, M & F.
Chúng ta có công thức tăng doanh thu như sau:
DOANH THU = C x M x F
Trên 93% doanh nghiệp đang chỉ tập trung vào duy nhất C: chăm chăm đi mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, bán một lần rồi … lại tìm khách hàng mới khác.
Và đó là lý do để họ (và có thể cả bạn) còn rất rất nhiều cơ hội để phát triển, thông qua việc thúc đẩy M và F.
Vậy với 3 yếu tố C, M, F thì chiến lược ưu tiên nên như thế nào?
Thứ tự ưu tiên
Nhiều người sẽ vội vàng chọn C.
Nhưng chiến lược đúng để tăng trưởng nhanh & bền vững là: M -> F -> C
Trong mọi trường hợp, hãy luôn cố gắng theo trình tự này.
- Tăng giá trị trung bình trên 1 đơn hàng cao nhất có thể (tăng M)
- Khuyến khích khách hàng quay lại mua hàng (tăng F)
- Sau cùng mới đẩy mạnh các kênh khai thác khách hàng mới (tăng C)
Phần tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết từng yếu tố. Với từng yếu tố tôi sẽ liệt kê các chiến lược phổ biến cụ thể để Bạn có thể áp dụng được ngay.
Tăng số khách hàng (C)
Tăng khách hàng tiềm năng (Lead)
Theo thống kê, chỉ có khoảng dưới 2% người dùng tiếp cận một sản phẩm hoặc dịch vụ lần đầu trở thành khách hàng. Còn lại trên 98% người dùng không mua ngay mà phải cần thêm thời gian: như chờ tới khi có đủ tiền, để tìm hiểu bạn là ai, họ có thích không, có tin cậy không…
Cũng giống như ngoài đời, cũng rất hiếm trường hợp yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên (tình yêu sét đánh). Cơ bản vẫn phải từ làm quen, gặp gỡ, tìm hiểu, quý mến tin cậy rồi mới tiến đến tình yêu.
Và một ai đó quảng giao, quen nhiều người, tán nhiều người thì xác suất có nhiều người yêu (khách hàng) sẽ rất cao.
Kinh doanh cũng hệt như vậy.
Bạn phải làm quen tiếp cận nhiều người và cố gắng chuyển đổi họ thành khách hàng tiềm năng (Lead).
Từ khách hàng tiềm năng mới trở thành khách hàng được.
(Liên quan: Tham khảo bài viết về chuyển đổi, tại sao nó lại vô cùng quan trọng.)
Do vậy, chúng ta sẽ bổ sung thêm yếu tố Lead vào thành một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới số lượng khách hàng.
Tóm lại, nếu bạn tăng được Lead thì khả năng lớn bạn cũng sẽ tăng Customer (C).
Cách tăng Lead:
Cơ bản có 2 dạng:
- Offline: Gặp gỡ, giao lưu, trao đổi name card…
- Online:
- Cách phổ biến là thông qua trang landing page, bạn trao đi giá trị có ích với người dùng để đổi lấy thông tin liên hệ, thường là email. Sau đó chăm sóc thông qua chuỗi email.
- Áp dụng chatbot: Mỗi khi người dùng tương tác với chatbot, họ sẽ trở thành một thuê bao (subscriber) để có thể chat bất kỳ lúc nào. Ưu điểm cách này là nhanh vì không cần email, người dùng thấy tiện vì họ dùng Facebook Messenger thường xuyên.
Mở rộng phạm vi địa lý
Giả sử bạn đang kinh doanh ở Hà Nội tốt, mở rộng phạm vi kinh doanh là việc bạn mở rộng kinh doanh sang các thành phố lớn khác như HCM hay Đà Nẵng.
Thêm kênh bán hàng
Đây là cách bạn bổ sung kênh bán hàng thêm vào cách hiện tại.
Giả sử bạn đang bán offline tại shop, việc mở thêm kênh bán online chính là cách này.
Tuyển cộng tác viên
Là cách bạn tuyển cộng tác viên bán hàng và trả theo phần trăm hoa hồng mà không phải trả lương. Với cách này, bạn chỉ phải trả tiền khi có đơn hàng thành công.
Các cộng tác viên sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng cho bạn, theo bất kỳ hình thức nào họ thấy phù hợp: đăng status Facebook, qua diễn đàn, thậm chí chạy quảng cáo…
Nếu bạn kinh doanh online, việc tuyển cộng tác viên chính là mời họ tham gia vào chương trình tiếp thị liên kết do bạn lập ra. Khi đó yêu cầu website bán hàng của bạn cần được tích hợp giải pháp tiếp thị liên kết.
Đây là phương án giúp tăng doanh thu không hạn chế về mặt lý thuyết, và không lo ảnh hưởng tới quỹ lương.
Tăng giá trị đơn hàng (M)
Tăng giá sản phẩm
Bạn hãy cân nhắc thật kỹ việc này vì đây là chiến lược con dao 2 lưỡi.
Tăng giá sản phẩm tuy giúp lợi nhuận trên một sản phẩm tăng, nhưng kéo theo nguy cơ khách hàng sẽ mua ít đi, hoặc thậm chí không mua nữa.
Cách này chỉ làm khi bạn bán sản phẩm độc quyền, và nhu cầu sản phẩm gần như bắt buộc.
Bán combo
Bạn đóng gói nhiều sản phẩm theo một tiêu chí nào đó (số lượng, chức năng sử dụng…) để bán cả gói combo có giá trị cao.
Cross-sell
Đây là cách bạn phải nhanh chóng bán chéo được thêm sản phẩm khác phù hợp với đối tượng mua hàng. Khi đó doanh thu trên 1 đơn hàng sẽ tăng.
Up-sell
Đây là cách bạn phải nhanh chóng bán thêm sản phẩm mà tiện ích hơn, nhiều công năng hơn… sản phẩm mà khách hàng đã mua. Vì vẫn là cách bán được thêm nên lợi nhuận trên đơn hàng vẫn tăng.
Có một lưu ý đặc biệt quan trọng, sẽ thay đổi mindset của bạn về kinh doanh:
Với cách cross-sell hay up-sell, không nhất thiết phải là sản phẩm của bạn.
Bạn hoàn toàn có thể kết hợp với đối tác, bạn bè… để “bán hộ” (kiếm hoa hồng), miễn là sản phẩm đó phù hợp với đối tượng khách hàng của bạn.
Như vậy, cách kinh doanh thông minh sẽ lấy khách hàng làm trọng tâm, không phải sản phẩm hay dịch vụ. Hãy chọn đối tượng khách hàng bạn muốn phục vụ, sau đó thiết kế hệ thống nhiều sản phẩm (của bạn và của đối tác) miễn sao phù hợp cho đối tượng khách hàng đó.
Tăng tần suất mua hàng (F)
Hình thức thuê bao
Có thể là định kỳ hàng tuần, tháng, năm.
Nếu là sản phẩm số thì có thể là trang thành viên (membership).
Nếu sản phẩm offline, tuỳ tình hình bạn có thể tuỳ biến.
Trên thế giới đã có những mô hình cung cấp các sản phẩm tiêu hao (giấy vệ sinh, kem đánh răng, dầu gội…) theo dạng này.
Tích điểm thưởng
Mỗi một đơn hàng thành công, khách hàng được tích điểm thưởng tương ứng với giá trị đơn hàng.
Bằng cách này có thể khuyến khích khách hàng quay lại mua hàng lần sau.
Thẻ thành viên
Các thẻ kèm các ưu đãi hoặc tích điểm để khuyến khích khách hàng lại sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ.
Cơ bản cũng là cách tích điểm, nhưng khác về hình thức. Nó có thêm một yếu tố quan trọng: đáp ứng nhu cầu thể hiện của khách hàng. Họ cảm thấy được tôn trọng khi là khách hàng VIP, Dimond…
Lời kết
Hy vọng qua bài viết Bạn nắm được 2 thông điệp quan trọng tôi muốn truyền tải:
- Không chỉ C, đừng bỏ qua M và F (thứ tự ưu tiên M -> F -> C)
- Lấy khách hàng làm trung tâm mà không phải là sản phẩm hay dịch vụ. Nếu chưa có, hãy bán sản phẩm của đối tác và nhận hoa hồng.
Nếu đã và đang chạy quảng cáo, hẳn Bạn cũng giống tôi sẽ thấy rằng chi phí quảng cáo ngày càng đắt đỏ. (Yên tâm là chỉ có tăng chứ không giảm).
Nhưng nếu tăng được M, Bạn sẽ có lợi thế lớn so với đối thủ (vì có thể chi nhiều hơn) và nếu may mắn thì có lãi ngay ở đơn đầu tiên.
Nếu tăng F, các đơn thứ hai trở đi với khách hàng cũ, Bạn không phải mất một đồng quảng cáo nào.
Đó chính là bí mật phát triển kinh doanh một cách vô cùng hiệu quả. Hãy áp dụng các chiến lược này để bùng nổ kinh doanh Bạn nhé.
Chúc Bạn thành công!
Theo nextsmarter