Đây là bài viết đầu tiên trong chương trình kinh doanh 3 bước. Trong bài này, bạn sẽ hiểu các vấn đề cơ bản về thuật ngữ Kinh doanh online và Thương mại điện tử. Chúng ta cũng sẽ điểm qua 10 ý tưởng kinh doanh online dễ làm, ít rủi ro và sinh lợi tốt để bạn dễ thực hành. Nếu chưa biết về sơ đồ kinh doanh 3 bước, bạn có thể đọc lại ở Chap 1 - Tổng quan. Bài tổng quan sẽ cung cấp hướng đi cụ thể để bạn tự học và làm kinh doanh.
Kinh doanh online là gì (Online Business)?
Từ điển Oxford định nghĩa Kinh doanh là: Hoạt động sản xuất, mua, bán và cung cấp sản phẩm hay dịch vụ để tạo ra tiền.
Vậy nên, bạn có thể hiểu đơn giản, Kinh doanh online: Là hoạt động sản xuất, mua, bán và cung cấp sản phẩm - dịch vụ để kiếm tiền trong môi trường trực tuyến (online).
Thuật ngữ “Kinh doanh Online" được đưa ra lần đầu bởi đội Marketing của tập đoàn công nghệ IBM vào năm 1997 trong một bài trên tờ Nhật báo phố Wall, nguyên văn là “E-Business".
Bình thường nếu kinh doanh truyền thống, bạn sẽ làm mọi thứ trực tiếp, bằng tay, điện thoại hoặc giấy. Nếu muốn ghi doanh số bán ra hôm nay, bạn sẽ có một quyển sổ dày. Nếu muốn họp mặt với khách hàng, bạn buộc phải lái xe đến điểm hẹn. Còn quyền lực trực tuyến (online) cho phép bạn làm tất cả những điều này đơn giản hơn chỉ với 1 cú nhấp chuột. Hoá đơn có thể dùng bản điện tử. Muốn thống kê doanh số đã có phần mềm hoặc sàn thương mại điện tử tự động cập nhật. Muốn gặp khách hàng có thể gọi video call.
Thương mại điện tử (E-Commerce) là gì?
Từ điển Oxford định nghĩa Thương mại:" Là hành động giao thương, việc mua và bán sản phẩm hoặc dịch vụ."
Như vậy, Thương mại điện tử (eCommerce) là: Quá trình giao dịch, mua, bán sản phẩm hoặc dịch vụ trong môi trường trực tuyến. Nói dễ hiểu hơn, thương mại điện tử thực tế là mua bán hàng online, là một hoạt động của Kinh doanh online.
Còn tại Việt Nam, trong Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, "hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác."
Phân biệt Kinh doanh online (E-Business) và Thương mại điện tử (E-Commerce) #ECOMME
Phân biệt Kinh doanh online và Thương mại điện tử
Kinh doanh online chỉ mọi hoạt động kinh doanh từ sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, vận hành doanh nghiệp ...
Trong khi Thương mại điện tử (eCommerce) hay mua bán hàng online chỉ dùng để nói về hoạt động mua - bán hàng qua các kênh như: Website, Landing Page, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Như vậy, Thương mại điện tử chỉ là một hoạt động của Kinh doanh online.
Thương mại điện tử = mua bán hàng online. Mua bán hàng online chỉ là 1 hoạt động thuộc kinh doanh online bên cạnh hoạt động quản lý, điều hành, Marketing ...
Ai phù hợp làm Kinh doanh online - Thương mại điện tử?
Hmmm, câu trả lời là mọi người, trong đó có cả bạn đấy. Môi trường trực tuyến mở cho phép tất cả mọi người đều có cơ hội ngang nhau về mặt tiếp cận thông tin và bắt đầu kinh doanh dễ dàng.
Lợi ích của Kinh doanh online và Thương mại điện tử
Kinh doanh online mang lại nhiều lợi ích mà kinh doanh truyền thống không có được như:
- Bán hàng toàn địa cầu 24/7
- Dễ dàng liên lạc và chăm sóc khách hàng tiết kiệm chi phí
- Tiết kiệm thời gian quản lý công việc
- Vận hành doanh nghiệp dễ vì đa số tác vụ đều có thể tự động hoá
- Giao dịch diễn ra trong một cú đúp chuột giúp thời gian vận chuyển sản phẩm cũng diễn ra nhanh chóng hơn
- Xây dựng thương hiệu và gắn kết khách hàng tốt hơn và đỡ tốn giấy cho việc in ấn.
Nắm bắt cơ hội kinh doanh từ môi trường trực tuyến như thế nào?
- Bạn có thể tự mở một cửa hàng bán đồ trực tuyến bất cứ lúc nào
- Tìm, quản lý và liên lạc với các bên cung ứng
- Liên hệ với khách hàng và nhận feedback nhanh chóng, thuận tiện
- Cho phép khách hàng lên lịch hẹn, đặt hàng trước (pre-order) như thế giảm rủi ro hơn rất nhiều
- Vận hành và quản lý việc kinh doanh nhanh gọn như nộp thuế, trả lương cho nhân viên thông qua các ứng dụng, phần mềm
- Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh bằng các công cụ trực tuyến, chưa bao giờ đi nghiên cứu đối thủ và thị trường lại thực tế và dễ dàng đến thế.
- Đánh giá và quản lý ngân sách thuận tiện bằng phần mềm, bạn không cần đau đầu ghi sổ nữa
Và còn nhiều, nhiều điều hơn thế. Nhưng với bấy nhiêu lý do, lợi ích, chắc đã đủ để bạn hiểu về tiềm năng của loại hình kinh doanh này.
Kinh doanh online và Thương mại điện tử có mất nhiều chi phí không?
Kinh doanh online mang đến cho bạn cơ hội tự do làm việc và tự làm chủ cuộc sống của mình. Chi phí khởi nghiệp ban đầu mặc dù sẽ thay đổi theo sản phẩm và mô hình doanh thu bạn chọn. Nhưng nhìn chung, nó vẫn rẻ hơn làm kinh doanh truyền thống theo kiểu chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng vật lý rất nhiều. Ý là rất nhiều đấy.
Vì mỗi sản phẩm lại có một mức giá khác nhau. Một người bỏ 5 triệu để lấy buôn mỹ phẩm cũng gọi là kinh doanh, mà người bỏ 100 triệu lấy buôn cũng gọi là kinh doanh. Vậy nên chúng ta tạm không tính tới vốn sản phẩm mà xem xét mức chi phí cho các kênh kinh doanh online thường thấy.
*Lưu ý: Chúng ta không xét đến chi phí cho quảng cáo vì mỗi người sẽ chi một số tiền quảng cáo khác nhau.
Có 4 nhóm kênh kinh doanh online mọi người hay chọn là:
Mạng xã hội: Ví dụ như bán qua Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, Youtube
- Chi phí: Miễn phí
Nếu không chạy quảng cáo thì kinh doanh qua mạng xã hội là miễn phí.
Sàn thương mại điện tử: Shopee, Sendo, Lazada, Tiki, Adayroi, Amazon, Ebay
- Chi phí: Miễn phí
Nếu không chạy quảng cáo kinh doanh trên sàn cũng miễn phí. Tuy thế khi giao dịch của bạn được thực hiện thành công (chỉ khi thành công) thì sàn có thể thu phí giao dịch khoảng vài phần trăm giá trị đơn hàng.
Ví dụ: Amazon chia làm hai nhóm người bán chuyên nghiệp sẽ phải đóng 39.99$/ tháng và không mất thêm phí cho một sản phẩm. Còn nhóm bán cá nhân (bán < 40 sản phẩm/ tháng) thì Amazon sẽ thu khoảng 0.99$ (kèm chi phí phát sinh tuỳ loại hàng hoá) cho một sản phẩm được bán thành công.
Nền tảng: Shopify, WooCommerce, BigCommerce, Magento, Etsy
- Chi phí: Từ 4 triệu 1 năm
Phụ thuộc vào nền tảng bạn chọn. Ví dụ Shopify thu từ 29$/ tháng sử dụng. Các nền tảng thường cung cấp giải hệ thống hỗ trợ cho kinh doanh online, giúp bạn tạo cửa hàng trực tuyến riêng, cung cấp giải pháp Marketing tích hợp và thậm chí hỗ trợ vận chuyển hàng hoá.
Website/ Landing Page: Tạo Website qua các nền Shopify, Haravan, Sapo, Wix, Weebly. Tạo Landing Page thông qua nền tảng miễn phí LadiPage, Instapage, Unbounce.
- Chi phí: từ 2 triệu 1 năm
Đối với cả Website và Landing Page, bạn sẽ phải trả tiền để mua tên miền và host. Tên miền kiểu như tenmiencuaban.vn chẳng hạn. Giá mua tên miền tuỳ theo .com, .net hay .vn mà đắt rẻ khác nhau, thường rơi vào khoảng 2 triệu 1 năm. Bạn có thể kiểm tra xem tên miền mình muốn có còn không và giá bao nhiêu qua: https://www.namecheap.com. Bên cạnh tên miền bạn cũng cần mua cả hosting. Mức giá cũng khoảng 2 triệu 1 năm. Tên miền và hosting thường được các công ty cung cấp bán kèm với nhau, nếu mua cả hai bạn sẽ được giảm giá. Một số nơi bán tên miền và hosting là: matbao, pavietnam, tenten. Nếu sử dụng LadiPage để chạy Landing Page, bạn chỉ cần mua tên miền, vì dịch vụ đã cung cấp sẵn host.
Về Website, một số nền tảng tạo web miễn phí, như Weebly chẳng hạn. Wix thì phải trả ít nhất 8.50$/ tháng để tạo và hoạt động trang web. Nếu đang tập bán bằng Landing Page có thể tập tạo trang miễn phí qua Ladipage.vn
Mọi người thường chạy đa kênh để đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng nếu bạn chưa quen với việc quản lý nhiều kênh thì có thể làm quen dần với bán hàng trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử (Facebook và Shopee). Khi đã quen hơn, nên dần chuyển sang Landing Page và Website để tăng trưởng doanh số tốt và giúp việc kinh doanh được tự động hoá. Website phù hợp để trưng bày nhiều sản phẩm như các kệ ở siêu thị. Trong khi đó Landing Page lại đóng vai trò như vị trí "vàng", chỉ phô diễn và kêu gọi mua một sản phẩm có khả năng bán ra cao nhất.
Để tránh lan man, chúng ta sẽ đến ngay với các ý tưởng kinh doanh online dễ thực hiện cho người mới bắt đầu. Bạn có thể chọn 1 cái để tập làm dự án kinh doanh đầu tiên cho mình.
10 ý tưởng Kinh doanh Online tiềm năng dễ thực hiện, ít rủi ro trong năm 2020
Số 1, 4, 5, 6, 9 dễ làm nhất. Số 1 và 9 gần như không mất phí để bắt đầu, tạo thu nhập đều và tự động. Số 4 lợi nhuận cao, chỉ cần bỏ công sức ban đầu và phù hợp với người có kinh nghiệm chuyên môn hoặc khả năng viết, nghiên cứu tốt. Sương sương 10 ý tưởng, sau này tôi sẽ cố gắng cập nhật thành danh sách đầy đủ hơn.
1. Viết blog chuyên nghiệp và đặt quảng cáo kiếm tiền
Viết blog là kiểu kinh doanh dễ dàng thực hiện mà không cần vốn, phát triển từ cách đây nhiều năm. Đến hiện tại, viết blog vẫn là lựa chọn kinh doanh tiềm năng lớn. Bạn có thể có một nguồn thu nhập phụ không nhỏ từ công việc viết lách cho vui này. Sáng tạo nội dung nhất quán, thu hút và đặt link bán hàng trên blog hoặc đặt quảng cáo.
2. Làm Affiliate Marketing
Thường thì khi vận may đến, nó sẽ đến liên tục. Khi blog của bạn đã hoạt động tốt với người theo dõi ổn định, bạn có thể bắt đầu tham gia các chương trình Affiliate và đặt link trên blog và Website cá nhân của mình. Mỗi khi có người mua hàng qua link của bạn, bạn sẽ nhận được hoa hồng từ sản phẩm trong link.
3. Gọi vốn cộng đồng
Bạn có thể gọi vốn cộng đồng để có vốn cho các dự án cá nhân. Ở Việt Nam, bạn có thể ghé
Comicola - Dành cho hoạ sĩ, nhà văn với các dự án truyện, truyện tranh, tranh
Charity Map - Giống hình thức từ thiện dành cho các dự án nhân văn và ý nghĩa
FirstStep - Đa lĩnh vực, phù hợp cho start-up
4. Viết ebook và bán online
Nếu xuất bản sách giấy yêu bạn giấy phép ngặt nghèo, chi phí lớn thì bạn hoàn toàn có thể thoả mãn đam mê viết lách và tự xuất bản cuốn sách dưới dạng ebook. Bạn có thể bán trên Amazon hoặc quảng cáo đến mọi người qua trang web cá nhân, Landing Page.
5. Làm Youtuber hoặc Podcast
Quay phim lại bằng điện thoại và bắt đầu trở thành Youtuber đích thực. Bạn có thể đầu tư máy móc và tham gia cùng bạn bè để tăng sức hấp dẫn. Quan trọng là nội dung của bạn cần phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Một số kiểu content dễ viral trên Youtube là: Hài hước, thực trạng xã hội, nhân - quả, kinh dị, bất thường, dễ thương.
Ở Việt Nam, Podcast nghe có vẻ xa lạ. Thực chất Podcast là chương trình Radio trực tuyến. Bạn có thể thu lại các buổi đọc sách, stream nhạc, phỏng vấn hay tâm sự rồi phát định kỳ trên Youtube hoặc SoundCloud.
6. Bán hàng trên Facebook hoặc sàn thương mại điện tử
Chưa bao giờ bán hàng online lại dễ dàng như thế. Bạn có thể bán hàng qua Facebook, thêm chút tiền quảng cáo để bắt đầu tập kinh doanh từ những bước đầu tiên. Nếu bán qua sàn, Shopee là lựa chọn không tồi dành cho sinh viên và các anh chị em văn phòng.
7. Bán khóa học online
Ai bảo học giỏi không để làm gì. Lôi tất cả những hiểu biết chuyên ngành của bạn ra, quay lại video rồi bán khoá học cho những người không biết. Các nền tảng cho phép thực hiện phi vụ kinh doanh này là: Edumall, Kyna hoặc Youtube cũng là một kênh ổn định. Chưa kể bán khoá học sẽ giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân rất tốt cho sự nghiệp sau này.
8. Chạy quảng cáo Facebook thuê
Quảng cáo Facebook từ 10 năm trước đến nay chưa hề lỗi mốt. Người biết chạy quảng cáo ngoài kia nhiều vô cùng nhưng số lượng người có nhu cầu tìm cá nhân an hiểu chạy quảng cáo Facebook cũng rất lớn. Học chạy Facebook giúp bạn tự chạy quảng cáo cho kinh doanh cá nhân, vừa có thể tạo ra khoá học cho những người có nhu cầu.
9. Dropshipping
Dropshipping không mới lạ ở thị trường Việt Nam nữa. Bạn quảng cáo sản phẩm với mức giá 300k. Khi có đơn, bạn gửi đơn cho phía nhà sản xuất với thông tin của khách hàng và thanh toán cho bên sản xuất theo giá sản phẩm niêm yết là 100k. Bên sản xuất sẽ làm nhiệm vụ đóng gói và vận chuyển hàng hoá trực tiếp cho người mua qua bạn. Người mua đó không hề biết là bạn là trung gian, bạn sẽ hưởng phần tiền chênh lệch giữa giá niêm yết và giá tự đặt là 200k. Về cơ bản bạn chẳng mất gì cả. Dropshipping có vẻ rất hot nên trong thời gian tới chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về chủ đề này.
10. Học xem Tarot, chiêm tinh
Giới trẻ yêu thích xem bói, mà hiện nay các bạn trẻ xứ mình thích xem Tarot, Runes, Oracles v.v. cho Tây. Một số bạn cũng mê chiêm tinh học. Chúng ta chẳng bao giờ ngừng to mò về số mệnh của mình mà. Nếu có niềm yêu thích với huyền học, bạn có thể bắt đầu học các loại hình bói này rồi lập kênh Youtube để quảng bá. Sau đó, bạn có thể đặt dịch vụ xem bài, bản đồ sao cho cá nhân online. Tham khảo kênh Youtube của Bảo Bình Tarot hoặc Fb Chòi Chiêm Tinh để tìm hiểu thêm về loại hình này.
Hết rồi, các ông còn không mau share đi ~
---Nội dung bản quyền thuộc về ECOMME