Kế hoạch kinh doanh là một bản tài liệu về lộ trình phát triển của doanh nghiệp hoặc công việc kinh doanh. Trong đó chỉ ra các mục tiêu hoạt động, kế hoạch sử dụng vốn và những bước đi để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Trong bài viết này, bạn sẽ tìm hiểu
- Kế hoạch kinh doanh là gì?
- Lập kế hoạch kinh doanh S.M.A.R.T
- Vì sao phải lập kế hoạch kinh doanh?
- Lập bản kế hoạch kinh doanh truyền thống dành cho mô hình công ty thông thường
- Lập bản kế hoạch kinh doanh tinh gọn dành cho startup và dự án kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ
- Tự làm biểu mẫu (kèm template)
- Sử dụng Canvas Business Model
Kế hoạch kinh doanh là gì?
Kế hoạch kinh doanh là một bản tài liệu về lộ trình phát triển của doanh nghiệp hoặc công việc kinh doanh. Trong đó chỉ ra các mục tiêu hoạt động, kế hoạch sử dụng vốn và những bước đi để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Bản kế hoạch kinh doanh giúp bạn tính toán kỹ lưỡng và chính xác, tạo điều kiện để tránh những sai lầm trong suốt quá trình xây dựng và phát triển công việc kinh doanh của mình.
Ở giai đoạn đầu, một vài thông tin cần xác định rõ là:
- Chia công việc và người chịu trách nhiệm: Thực hiện việc gì, khi nào và ai chịu trách nhiệm về những việc đó.
- Những chỉ số cơ bản: Dự đoán những số liệu căn bản như chi phí, giá, lãi, tỷ lệ hoàn vốn.
- Chiến lược: Chiến lược sẽ vạch ra phương thức làm thế nào để tăng trưởng. Nên liệt kê nó dưới dạng gạch đầu dòng.
- Dòng tiền: Cần quản lý nguồn tiền mặt ngay từ đầu vì lợi nhuận đôi khi không đủ tiền mặt để thanh toán hóa đơn. Không tính tiền gửi ngân hàng và tiền chi tiêu hàng tháng vào dòng tiền dùng để chi tiêu cho việc vận hành doanh nghiệp.
- Đánh giá: Mỗi tháng hãy xem xét lại bản kế hoạch. Để kiểm tra sau một tháng hoạt động có diễn ra đúng không và các mục tiêu có đạt được hay không. Điều này là cần thiết để phát hiện khi nào hoạt động doanh nghiệp đi chệch hướng so với mục tiêu định ra ban đầu.
Đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh S.M.A.R.T
S.M.A.R.T
- Specific - Cụ thể: Mục tiêu cần cụ thể, tốt nhất nên có số liệu, tránh những gì chung chung. Ví dụ, tháng này tôi sẽ đạt doanh thu 50 triệu, suy ra tôi phải bán được 100 sản phẩm.
- Measurable - Có thể đo lường: Đừng nói "tôi muốn có nhiều tiền", hãy nói "tôi muốn có 100 triệu".
- Attractive - Hấp dẫn: Hãy đặt ra cho mình một mục tiêu đủ mạnh để tạo động lực thực hiện. Ví dụ, đạt được 5 triệu là điều không cần phải đặt mục tiêu, nhưng đạt được 50 triệu nghe có vẻ thách thức và hấp dẫn, nhưng không quá cao đến mức không thể với tới.
- Realistic - Thực tế: Không nên đặt mục tiêu quá xa vời và cần luôn quy mục tiêu ra sản phẩm để biết mình phải bán được bao nhiêu mới đạt được mục tiêu đó. Ví dụ tôi muốn đạt được doanh thu 50 triệu suy ra tôi phải bán 100 sản phẩm, và tôi có khả năng thực hiện điều này vì tháng trước tôi đã bán được 80 sản phẩm 1 tháng rồi.
- Time-bound - Thời hạn hoàn thành: Không có deadline, không có mục tiêu rõ ràng thì vứt. Đề ra cho mình khoảng thời gian cụ thể để hoàn thành mục tiêu và đừng làm kiểu nửa vời. Ví dụ: "Đạt 5000$ trong 1 tháng". Thậm chí bạn còn nên tự phạt nếu không hoàn thành đúng thời gian.
Vì sao phải lập kế hoạch kinh doanh?
Nếu đang có một ý tưởng kinh doanh và không biết phải bắt đầu như thế nào, lúc này một bản kế hoạch kinh doanh sẽ giúp bạn hình dung từng bước dễ hơn. Kế hoạch kinh doanh cũng giúp bạn xác định xem liệu ý tưởng đó có khả thi hay không, kiếm ra tiền hay không.
Một bản kế hoạch kinh doanh chứa đựng những thông tin cần thiết cho việc vận hành dự án kinh doanh hay thậm chí cả một doanh nghiệp. Trong một vài trường hợp, nhìn vào bản kế hoạch kinh doanh có thể phán đoán nguyên do việc kinh doanh thành công hay thất bại.
Nghiên cứu tính khả thi của ý tưởng kinh doanh
Một kế hoạch kinh doanh cần nêu ra được 3 yếu tố: Kế hoạch Marketing, hoạt động bán hàng và tình hình tài chính. Chính vì vậy xác định những yếu tố này sẽ giúp bạn chứng minh được liệu ý tưởng và mô hình kinh doanh có khả năng thực hiện hay không.
Rèn luyện khả năng dự đoán và phát triển kiến thức đa ngành
Để chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh, đòi hỏi phải tìm hiểu và nghiên cứu về các vấn đề quan đến quản trị kinh doanh. Chính quá trình thu thập thông tin này sẽ giúp bạn tăng thêm kiến thức về ngành, thị trường và đối thủ tranh. Với những thông tin có được, dự đoán xem sản phẩm của mình có đủ sức cạnh tranh trên thị trường hay không rồi chuẩn bị ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra.
Kế hoạch hoạt động
Một kế hoạch kinh doanh sẽ mô tả cách bạn vận hành doanh nghiệp như thế nào, nó chỉ ra sản phẩm bạn bán, khách hàng tiềm năng là ai, bán hàng ở đâu...
Kế hoạch kinh doanh còn cho phép bạn kiểm soát doanh nghiệp của mình. Phân rõ từng công việc theo trình tự thời gian, người chịu trách nhiệm.
Có thêm nguồn hỗ trợ tài chính
Mặc dù chuyện này không quá cần thiết với người mới làm kinh doanh online như tôi vẫn sẽ đề cập. Khi khởi nghiệp, có thể bạn không đủ vốn. Bản kế hoạch kinh doanh mạnh có thể giúp bạn thu hút các nhà đầu tư và thuyết phục ngân hàng cho vay. Tôi thì không khuyến khích lắm vì khi mới bắt đầu, bạn cần thử các mô hình doanh thu dễ làm, ít chi phí thôi. Sau đó một thời gian mới nên chuyển sang các mô hình kinh doanh yêu cầu vốn cao. Nhớ là, mô hình doanh thu càng phức tạp, thì càng dễ chết.
Lập bản kế hoạch kinh doanh truyền thống dành cho mô hình công ty thông thường
Một bản kế hoạch kinh doanh truyền thống bao gồm các thành phần cơ bản sau (đọc đoạn này ít thôi mấy bồ, kéo xuống dưới có cái mẫu ví dụ, down về và thực hành luôn cũng được).
- Tiêu đề trang và nội dung: Ở trang bìa của kế hoạch kinh doanh, cần liệt kê ra những yếu tố sau: Logo, tên doanh nghiệp, tên của những người đứng đầu, địa chỉ, số điện thoại, email, địa chỉ trang web.
- Tóm tắt hoạt động: Tóm tắt về lý do, mục đích bạn viết nên bản kế hoạch kinh doanh là gì, để xác định vấn đề, giải quyết vấn đề phát sinh, gọi vốn hay làm gì khác. (khoảng 5-7 câu)
- Mô tả dự án kinh doanh: Trong phần này nêu ra lĩnh vực kinh doanh mà bạn đang theo đuổi, thị trường bạn hướng tới, sản phẩm là gì, cách phân phối và tiếp thị mặt hàng đó ra sao.
- Mô tả về sản phẩm hay dịch vụ: Giải thích về mặt hàng và dịch vụ. Tập trung mô tả USP (điểm đặc biệt của sản phẩm), lợi ích hoặc giải pháp mà sản phẩm mang đến cho khách hàng.
- Phân tích thị trường: Cung cấp cái nhìn rõ ràng về thị trường qua đó có định hướng thiết lập chiến lược giá, phân phối sản phẩm và quảng cáo.
- Phân tích đối thủ cạnh tranh: Phân tích điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ qua đó chỉ ra được đâu sẽ là điểm khác biệt giúp bạn vượt lên trên đối thủ.
- Hoạt động và quản lý: Trong phần này cần mô tả được cách thức hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm: Hoạt động giao vận, hoạt động quản lý, xoay vòng vốn, chi phí sản xuất,...
- Kế hoạch tài chính: Trong phần này bạn sẽ phải liệt kê báo cáo doanh thu, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bảng cân đối (tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu).
- Tài liệu hỗ trợ (phụ lục): Trong phần này sẽ bao gồm sơ yếu lý lịch của bạn; hợp đồng với nhà cung cấp, khách hàng hoặc chủ đầu tư, thư giới thiệu, và bất kỳ tài liệu pháp lý nào khác liên quan đến kế hoạch kinh doanh.
Dưới đây là bản kế hoạch kinh doanh mẫu của công ty đồ chơi trẻ em Wooden Grain Toys. Tham khảo và tải mẫu thực hành TẠI ĐÂY
Lập bản kế hoạch kinh doanh tinh gọn dành cho startup và dự án kinh doanh cá nhân nhỏ lẻ
Có 2 loại kế hoạch kinh doanh là kiểu truyền thống (bạn đã tìm hiểu ở phía trên rồi) và kiểu startup tinh gọn. Kiểu kế hoạch kinh doanh truyền thống được viết chi tiết hơn và sử dụng cho các mô hình công ty phức tạp. Khi mới khởi nghiệp, việc kinh doanh của bạn sẽ giống một dự án nhỏ hơn là cả một công ty như thế. Bởi vậy, trong phần này tôi sẽ hướng dẫn bạn lập bản kế hoạch kinh doanh tinh gọn trong vài trang mà vẫn đảm bảo tính định hướng cho hoạt động kinh doanh online về sau.
Tự làm biểu mẫu
Mẫu kế hoạch kinh doanh online tinh gọn cho startup và dự án kinh doanh nhỏ - FROM #ECOMME WITH LOVE
- Định vị sản phẩm: Định vị thương hiệu của mình là gì trong mắt khách hàng và thị trường? Nêu ra điểm đặc biệt mà chỉ thương hiệu/ sản phẩm của bạn có?
- Vấn đề của thị trường: Trả lời câu hỏi thị trường hiện tại bạn nhắm tới có vấn đề gì? Khách hàng đang không hài lòng vì chuyện gì?
- Giải pháp cho thị trường: Bạn có giải pháp để xử lý vấn đề cho thị trường không? Giải pháp có làm khách hàng hài lòng không?
- Phân khúc khách hàng: Ghi rõ phân khúc ra, đặc biệt ra tìm được ngách thì tốt. Đừng ghi phân khúc là người trẻ. Hãy ghi là người trẻ, độ tuổi 18-22. Phân khúc càng cụ thể, việc kinh doanh càng dễ sống sót, lợi nhuận cũng càng lớn.
- Đối thủ cạnh tranh: Liệt kê các đối thủ cùng phân khúc, nêu cơ bản về đặc điểm mạnh - yếu của sản phẩm, khoảng giá của đối thủ.
- SWOT của sản phẩm:
S - Strength: Điểm mạnh của sản phẩm là gì
W - Weakness: điểm yếu của sản phẩm
O - Opportunity: Cơ hội
T - Threat: Thách thức
- Đối tác chiến lược: Liệt kê các công ty hay dịch vụ mà bạn làm việc cùng để phát triển việc kinh doanh. Chỗ này có thể ghi các bên cung ứng, bên sản xuất, các nhà thầu, đối tác chiến lược hoặc các công ty có vai trò tương hỗ kiểu như vậy.
- Nguồn lực: Liệt kê mọi nguồn lực mà bạn có từ con người đến tài sản. Ví dụ nguồn lực có thể là đội ngũ sáng lập 10 năm kinh nghiệm, nguồn vốn 1 tỷ đồng hoặc được ủng hộ bởi tổ chức bảo vệ động vật châu á chẳng hạn.
- Cấu trúc chi phí: Các loại chi phí gì, chiếm bao nhiêu phần trăm tổng doanh thu? Ví dụ trên 100% doanh thu, dùng 10% cho marketing; 20% cho sản xuất; 10% cho nền tảng và phần mềm quản lý, bán hàng; 20% cho nhân công; 40% lợi nhuận.
- Kênh: Gồm kênh truyền thông và kênh bán hàng. Kênh truyền thông là gì, tức là dùng kênh gì để giao tiếp thông tin với khách hàng (mạng xã hội, báo chí, TVC, OOH hay gì khác)? Kênh bán hàng là gì (mạng xã hội, landing page, nền tảng...)?
- Hoạt động Marketing: Bạn định làm gì để đẩy sản phẩm ra thị trường và thu hút khách hàng? Liệt kê ra các chiến lược tổng quát (quảng cáo facebook, quảng cáo trên shopee…)
- Dòng doanh thu: Giải thích xem bạn kiếm tiền từ việc kinh doanh như thế nào. Ví dụ như bán thẳng cho khách hàng, dropshipping, thu phí dịch vụ thành viên (membership)... Nếu có nhiều dòng doanh thu khác nhau thì hãy liệt kê hết ra.
- Công việc và người chịu trách nhiệm: Cụ thể từng công việc kèm người chịu trách nhiệm để đưa hoạt động kinh doanh vào quy trình.
- Mục tiêu: Mục tiêu muốn đạt được theo tháng, quý, năm. Thường nên điền theo tháng hoặc quý để đảm bảo bản kế hoạch hiệu quả nhất. Vì khi thị trường và khách hàng thay đổi, bản kế hoạch tổng quát cũng nên thay đổi.
*** Tải mẫu kế hoạch kinh doanh tinh gọn TẠI ĐÂY
Sử dụng Canvas Business Model
Canvas là một công cụ miễn phí rất phổ biến, được dùng để phát triển một ý tưởng kinh doanh thành một mô hình cụ thể. Canvas cũng có các mục thông tin tương tự như thiết lập kế hoạch kinh doanh tinh gọn.
Canvas Business Model - nguồn Canvanizer
Khi sử dụng Canvas, bạn sẽ có thể chỉnh sửa và chia sẻ ý tưởng, mô hình kinh doanh của mình với người khác trong trường hợp làm việc nhóm. Truy cập https://canvanizer.com/ để bắt đầu lập kế hoạch kinh doanh tổng quát ngay.
---Nội dung bản quyền thuộc về ECOMME