fbplus.net

Quảng cáo đã thao túng tâm lý bạn như thế nào

Mua hàng (shopping) là hoạt động thường ngày của chúng ta. Đây cũng là một khâu trong vòng tuần hoàn kinh tế của con người.

Tuy nhiên, nhiều người lại có thói quen mua sắm một cách thừa mứa, thậm chí coi đó như một hoạt động giải trí thường nhật. Sau đó lại không hiểu lý do mình mua nhiều thứ không cần dùng đến vậy.
Mình cũng có thắc mắc này và đã tìm hiểu một khoảng thời gian về marketing, quảng cáo, về tâm lý con người, thị trường... và rút ra được một số kết luận.
Những ý mình nêu trong dưới đây chỉ là phân tích dựa theo hiểu biết còn hạn hẹp của cá nhân mình. Điều này có thể sẽ gây khó chịu cho một số bạn đọc, nếu có sai sót mong anh em góp ý lịch sự nhé.
Dưới đây là một số cách mà nhà quảng cáo đã thao túng tâm lý khách hàng, và một số hiệu ứng mà họ áp dụng:

1. Tâm lý dẫn đầu:

Ai trong chúng ta cũng có tâm lý muốn được công nhận, muốn thể hiện bản thân vượt trội hơn người khác. Và cách dễ nhất chính là thông qua việc sử dụng các vật dụng được số đông công nhận là đỉnh cao, là top một.
Chính vì vậy, không ít các nhà sản xuất sẵn sàng chi một số tiền lớn cho truyền thông để đánh bóng thương hiệu, nhằm đạt được vị trí hàng đầu trong mắt khách hàng (về giá cả, về độ hữu dụng, về tính phổ biến...). Không ít những quảng cáo mà sản phẩm được gắn liền với những từ ngữ có cánh: sang trọng, đẳng cấp, quý phái, đỉnh cao, dẫn đầu,…

Theo đó, người mua cũng sẽ có xu hướng chọn các sản phẩm của những hãng có thương hiệu hơn.

2. Tâm lý bầy cừu:

Khi bạn bè, người thân, đồng nghiệp bạn đều dùng một món đồ gì đó, bạn ít nhiều cũng sẽ có xu hướng muốn sở hữu món đồ như vậy.
Nhà quảng cáo sẽ thuê các nhân vật nổi tiếng (ca sỹ, diễn viên,...) để đại diện cho thương hiệu của họ. Chúng ta có xu hướng làm theo những người nổi tiếng, và dễ nhất là bắt đầu mua những món đồ giống họ. (Ở đây còn có sự cộng hưởng bởi mục số 1 mình vừa nêu trên).

3. Tâm lý sợ bỏ lỡ:

"Limited edition" là dòng chữ thường thấy ở các sản phẩm "chỉ sản xuất số lượng giới hạn". Bạn nhanh tay mua bản giới hạn đó, một thời gian sau, bạn có thể sẽ thấy xung quanh cũng đầy những bản giới hạn y như vậy.
Không ít các sự kiện khuyến mãi đặt thời hạn thậm chí tính bằng phút để kích thích tâm lý này, khiến bạn có suy nghĩ "mua ngay kẻo hết" và ra quyết định mua hàng nhanh hơn, vì lo rằng "không thì lỡ mất khuyến mãi".

4. Tâm lý so sánh, neo giá:

Bạn thấy giá gốc 50 USD, phía dưới (hay bên cạnh) giá gốc sẽ có giá khuyến mãi là 40 USD. Bạn sẽ có tâm lý là sẽ lời 10 USD. Bạn mua nó, sau đó đi đến cửa hàng khác, bạn có thể sẽ thấy một sản phẩm y hệt với giá....20 USD. Và cửa hàng vẫn có lời khi bán giá đó cho bạn. Hết hồn chưa khách hàng !

5. Tâm lý lo lắng cho tương lai (bán bia kèm lạc):

Khi quyết định mua một sản phẩm nào đó, bạn sẽ được giới thiệu một loạt các gói bảo hành, các phụ kiện và trang bị kèm theo. Bạn sẽ được tư vấn rằng những thứ này sẽ cần trong một lúc nào đó ở tương lai. Và nếu mua kèm sản phẩm chính ngay bây giờ, bạn có thể sẽ được khuyến mãi giảm giá. Khả năng cao, họ sẽ bán được thêm cho bạn vài món kèm theo.

6. Tâm lý sợ hãi - giải pháp:

Không ít quảng cáo bắt đầu bằng mô típ: "bệnh A, nguy hiểm B, nguy cơ C,... gây ra khó khăn X, trở ngại Y, lo lắng Z...".
Sau đó là "chúng tôi có giải pháp N, sản phẩm M có thể giải quyết vấn đề trên nhanh gọn lẹ".
Và để tâm lý thoải mái, không sợ hãi, chúng ta sẽ chạy ra cửa hàng mua món đó về là hết lo lắng ngay, dù thực tế bạn cũng không có bệnh A, nguy hiểm B, nguy cơ C... gì hết

7. Tâm lý lỗi thời, lỗi mốt:

Dễ thấy nhất là trong ngành thời trang. Sau một khoảng thời gian nhất định, dưới sự lèo lái của truyền thông, sẽ có những gu và trend thời trang mới ra đời (một cách ngẫu nhiên nhưng vô cùng đúng thời điểm). Khi đó bạn nhìn vào tủ quần áo, bạn sẽ tự có tâm lý mình như đã lạc hậu hơn phần còn lại của thế giới. Và để thay đổi hiện trạng này, bạn có thể sẽ lại mua sắm cái mới để cho hợp thời với số đông.

8. Hiệu ứng chim mồi:

Một sản phẩm có 2 loại thùng: Thùng A (10 lon, giá 100 USD), thùng B (20 lon, giá chỉ 180 USD). Bạn chọn mua thùng B, và nghĩ rằng mình đã "lời" hơn 20 USD. Có lẽ là không, vì khi bán giá đó cho bạn, họ vẫn sẽ lời.
Trong trường hợp này, loại thùng A sẽ là "chim mồi" nhử cho bạn mua thùng B để có cảm giác lời hơn.
Còn khi bạn quyết định mua thùng A, họ vẫn sẽ lời, chỉ là lời ít hơn mà thôi.

9. Giá 99k, 199k, 299k:

Bạn có thể sẽ bắt gặp nhiều biển báo giá như vậy. Tại sao không phải là 100k, 200k, 300k ? Vì khi giảm bớt 1k, bạn sẽ cảm giác như giá giảm, dễ thấy nhất là 100k còn 99k, giảm hẳn một chữ số.
Ngoài ra để hỗ trợ, nhà bán hàng còn thêm những từ giảm bớt như: giá chỉ 99k, giá rẻ 199k, giá sale 299k...nhằm tạo cảm giác cho người mua rằng giá tiền đã giảm đi nhiều và không đắt. Còn đắt hay không là một câu chuyện khác, một phạm trù khác, và mình sẽ phân tích trong một bài viết khác.
10. ....
11. ...
...
Có thể sẽ còn nhiều điều nữa mà mình chưa phát hiện ra. Mong anh em đóng góp ý kiến qua bình luận bên dưới giúp mình hoàn thiện bài viết. Xin cám ơn anh em đã đọc bài.
Xin cám ơn anh em đã ủng hộ mình nhiệt tình trong thời gian qua cũng như sắp tới, khi mình có một số thay đổi nhỏ tiếp theo nhé!
 
Nguồn tinhte.vn

 

Bài viết liên quan
  • 9 điều bạn chưa biết về UID Facebook
  • Cách viết chữ in đậm trên Facebook dễ dàng
  • 25 lý do khiến tài khoản quảng cáo Facebook của bạn bị khóa và cách khắc phục
  • Facebook Ads Update 2019: Siết chặt quảng cáo kém chất lượng và những điều cần lưu ý!
  • 6 thủ thuật chạy quảng cáo facebook đạt hiệu quả cao
  • Cách xem toàn bộ quảng cáo đang chạy trên Page đối thủ hoặc page bất kỳ
  • Xem tất cả quảng cáo facebook trên newfeed với Turbo Ad Finder
  • Tổng hợp các link hỗ trợ và kháng cáo Facebook hiệu quả
  • 5 cách phát triển thương hiệu trên tik tok