Với nhiều người, thương hiệu có thể là tên, có thể là logo. Người khác lại nghĩ làm thương hiệu nghĩa là làm quảng cáo. Nhưng liệu quảng cáo nguyên thôi có đủ để làm khách hàng nhớ về bạn? Liệu Logo có phải là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Apple và Nike? Nếu không phải, thì xây dựng thương hiệu rốt cuộc là gì và làm thế nào để người mới kinh doanh xây dựng được thương hiệu tốt trong vòng 3 tháng?
Thương hiệu là gì?
Theo định nghĩa của Hiệp hội Marketing Mỹ: Một thương hiệu được thể hiện qua tên, thiết kế, logo, biểu tượng hoặc bất kỳ đặc tính nào có thể khiến khách hàng phân biệt bạn với những người bán khác.
Hãy coi thương hiệu là điều mà khách hàng liên tưởng hoặc nảy ra ngay trong đầu mỗi khi họ nghĩ về một sản phẩm hay dịch vụ, hoạt động của một công ty. Thương hiệu không chỉ thể hiện qua đặc tính vật lý của sản phẩm hay dịch vụ, nó còn thể hiện ở những cảm xúc mà khách hàng dành cho công ty hay sản phẩm của bạn. Những cảm xúc này sẽ được thể hiện ra rõ hơn khi khách hàng thấy tên thương hiệu, logo, các hình ảnh thương hiệu khác và cả thông điệp truyền thông của thương hiệu trong mỗi chiến dịch Marketing.
Một sản phẩm có thể dễ dàng bị sao chép bởi đối thủ cạnh tranh. Nhưng thương hiệu là độc nhất. Ví dụ, Pepsi và Cola có vị tương đồng, nhưng vì một vài lý do mà người này thích Cola còn người khác lại thích Pepsi. Thậm chí họ sẵn sàng nổi điên nếu không được phục vụ cola trong bữa ăn. Điều này được cho là bởi định vị của hai thương hiệu là khác biệt. Cola hướng tới hương vị và sự cổ điển trong khi Pepsi định vị mình là sự tươi mới và trẻ trung.
Việc kinh doanh của bạn, sẽ mãi chỉ là một việc kinh doanh đơn thuần chứ không thể gọi là thương hiệu cho đến khi khách hàng nhớ đến bạn khi sử dụng sản phẩm. Sẽ không thể gọi là thương hiệu, nếu khách hàng không cần biết có cần mua sản phẩm từ cửa hàng của bạn không, hay mua của người khác cũng được.
Xây dựng thương hiệu là gì?
Ngày nay trong một thị trường bão hoà và có tính cạnh tranh gay gắt, làm thương hiệu là một hướng tiếp cận khá hiệu quả và dễ làm với tất cả các loại hình doanh nghiệp từ đơn lẻ đến nhỏ và lớn.
Từ định nghĩa thế nào là thương hiệu, bạn có thể hiểu xây dựng thương hiệu là: Làm gợi nhắc những cảm xúc, liên tưởng nơi tâm trí và trái tim khách hàng về tên thương hiệu của bạn mỗi khi họ tiếp xúc với sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể.
Xây dựng được một thương hiệu mạnh cỡ Coca Cola hay Apple phải mất tầm vài năm đến vài chục năm. Những thương hiệu mạnh như vậy có một kiến trúc cực kỳ phức tạp và ảnh hưởng rất sâu sắc tới khách hàng.
Khi bạn làm dự án kinh doanh nhỏ lẻ, dĩ nhiên chúng ta không cần làm chuyện gì to lớn đến vậy. Chúng ta chỉ hướng tới 2 mục tiêu duy nhất.
- Khi khách hàng muốn mua, họ sẽ cố gắng nghĩ về bạn
- Tên thương hiệu và hình ảnh dễ nhớ để khách hàng tìm ra ngay
Dĩ nhiên 2 mục tiêu này không cần đến vài năm mà hoàn toàn có thể thực hiện chỉ trong chưa đầy 3 tháng. Hãy học bài này thật kỹ để nâng tầm dự án kinh doanh của bạn lên một đẳng cấp mới.
Kinh doanh truyền thống hay kinh doanh online đều cần xây dựng thương hiệu
Xây dựng thương hiệu là cực kỳ quan trọng không chỉ với các doanh nghiệp mà còn với cả những người làm kinh doanh nhỏ lẻ nữa. Đừng tưởng bán mấy món đồ trên shopee mà không cần thương hiệu, bạn sai quá rồi. Xây dựng thương hiệu có thể thay đổi cách mọi người nhìn nhận về cửa hàng của bạn, nâng cao doanh số, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn, giữ chân khách hàng và đặc biệt tạo ra sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Chính vì quan trọng đến vậy, nên nhiều khi chỉ cần dính một “phốt” nhỏ cũng có thể khiến công việc kinh doanh lao dốc không phanh, bất biết là kinh doanh truyền thống hay kinh doanh online.
VD: Hãy thử đặt mình vào vị trí là một chủ một thương hiệu trà sữa mới nổi xem. Đang lên như diều gặp gió bỗng sao chổi từ đâu bay đến. Một tài khoản post bài đăng trên mạng xã hội với nội dung: Phát hiện con gián trong cốc trà sữa X. Vầng, và thế là mọi thứ chấm hết, miễn bàn lắm, vác mồm đi giải thích vụ này hơi mệt.
18 viên gạch dựng xây kiến trúc thương hiệu
18 yếu tố xây dựng thương hiệu - Nguồn: Branding: The 6 Easy Steps
Trong cuốn Branding: The 6 Easy Steps, David C. Dunn dẫn ra 18 yếu tố giúp xây dựng thương hiệu gồm có:
- Brand Product - Sản phẩm: nên có 1 trong 4 yếu tố là đột phá, độc đáo, hữu ích, hoặc sinh lợi.
- Brand Vision - Tầm nhìn của thương hiệu: định hướng sự phát triển của thương hiệu trong tương lai.
- Brand Positioning - Định vị thương hiệu: mong muốn thương hịệu là gì với thị trường và người tiêu dùng.
- Brand Target - Nhóm khách hàng mục tiêu: khách hàng là ai.
- Brand Name - Tên thương hiệu: nên thể hiện được đặc điểm hoặc điều thương hiệu muốn truyền tải, nên dễ nhớ, và phù hợp với các tên miền có sẵn
- Brand Identity - Bộ nhận diện thương hiệu: bao gồm các yếu tố như logo, banner, brochure, đăng ký email,
- Brand Promise - Lời hứa thương hiệu: hứa gì với khách hàng, những lời cam kết
8 + 9. Brand Character + Brand Personality - Hình mẫu thương hiệu và cá tính đi kèm:
Vòng hình mẫu thương hiệu và cá tính đi kèm - Nguồn: Adweek
10. Brand Emotion - Cảm xúc thương hiệu nơi khách hàng: qua tiếp xúc với sản phẩm và nhân viên chăm sóc khách hàng mà thành
11. Brand Experience - Trải nghiệm khách hàng với thương hiệu: tương tự được hình thành qua quá trình tiếp xúc với sản phẩm, con người, giao vận
12. Brand Quality - Chất lượng sản phẩm và dịch vụ
13. Brand Pricing - Giá cả và chiến lược giá
14. Brand Packaging - Đóng gói, bao bì
15. Brand Distribution - Giao vận và phân phối sản phẩm
16. Brand Association - Sự liên tưởng thương hiệu
17. Brand Credentials - Chứng nhận, giải thưởng, điểm độc đáo của thương hiệu
18. Brand Message - Thông điệp thương hiệu
Vậy mới kinh doanh, kinh doanh online và kinh doanh nhỏ lẻ nên tập trung vào yếu tố nào? (bôi đậm phía trên rồi đấy).
7 yếu tố thương hiệu người mới học làm kinh doanh online nên quan tâm
Nhóm khách hàng mục tiêu
Một điểm dễ hiểu nhất trên cõi đời này: "Chẳng ai đi bán hàng cho cả thế giới cả". Nếu đọc bài xác định thị trường ngách, các bạn đã quá hiểu tầm quan trọng của việc xác định đâu là nhóm khách hàng mục tiêu. Và chỉ chăm chăm phục vụ và bán sản phẩm cho nhóm đấy thôi. Nếu chưa đọc, hãy đọc tại theo link ở dưới.
Không có bất kỳ sản phẩm nào trên đời được coi là phù hợp cho tất cả đâu. Kể cả có là siêu thị, thì cũng có nhóm đối tượng riêng của họ. Big C không thể tập trung vào nhóm đối tượng cao cấp và thượng lưu cũng như Hermes không dành cho người lao động tầng lớp trung lưu.
Đây không phải phân biệt đối xử, nhớ vậy. Sẽ luôn có những nhóm khách hàng mang lại lợi nhuận cao và phù hợp để chăm sóc hơn nhóm khác.
Để xác định nhóm khách hàng mục tiêu, cần chú ý đến sản phẩm mà bạn bán dành cho ai. Khi bạn nảy ra ý tưởng kinh doanh và có sản phẩm, thường lúc đó bạn sẽ biết nhóm khách hàng chính rồi.
Để gọi rõ tên nhóm khách hàng, bạn có thể phân chia theo
- Các yếu tố nhân khẩu học dưới đây: tuổi, giới tính, thu nhập, nơi ở, nghề nghiệp
- Các yếu tố tâm lý: tính cách, sở thích, nhu cầu, phong cách sống...
Ví dụ quen thuộc mà chúng ta làm quen từ đầu dòng bài đến giờ là sản phẩm áo phông hình mèo. Vậy nhóm khách hàng mục tiêu sẽ là ai đây? Những người thích mèo, đương nhiên rồi. Họ sẽ là nhóm khách hàng từ 18 - 25 tuổi.
Để xác định nhóm khách hàng mục tiêu tốt hơn, hãy tham khảo thêm bài xác định thị trường ngách nếu bạn chưa đọc. Học bài chăm đi nào.
Kinh doanh online toàn tập - Chap 4: Những điều cần biết về thị trường ngách (Niche Market)
Bài này dành cho những người mới học bơi mà lại ưa mạo hiểm.Nên nghĩ lại về việc lao vào một thị trường bão hoà. Sao phải đánh nhau mệt thế nếu như bạn có thể tự tạo đường riêng cho mình và khỏi phải dành giật từng chút một cách quá mạo hiểm vậy? Trở thành một con cá lớn trong ao của mình nghĩa l…
Tên thương hiệu
Đặt tên thương hiệu cũng là điều rất thử thách. Liên tưởng cái lúc song thân phụ mẫu đặt tên cho bạn ấy, thật sự rất hồi hộp. Nếu bạn chưa có cho mình một cái tên ngay từ đầu, mọi thứ sẽ phức tạp hơn một chút. Tạm thời bỏ mấy yếu tố kiểu mang nặng ý nghĩa sản phẩm, cái tên ngầu lòi... thì khi mới làm kinh doanh bạn chỉ cần chú trọng vào 2 yêu cầu về đặt tên dưới đây là đủ rồi:
- Phù hợp cho đặt tên miền: Bạn sẽ không muốn khi khách hàng tìm kiếm tên thương hiệu của bạn lại ra trang web bán hàng của ngừoi khác đâu. Hãy kiểm tra xem tên thương hiệu có hợp với tên miền không.
Bạn có thể kiểm tra xem tên miền mình muốn có bị trùng với người khác không qua các trang bán tên miền như: Namecheap, Name.com v.v.
- Dễ nhớ: Rất nguy hiểm nếu đặt tên mà khách hàng không thể phát âm. Càng dễ phát âm thì càng dễ nhớ và vì thế thuận cho làm Marketing về sau. Ví dụ như Milo và Ovaltine thì Milo được 10 điểm tên gọi còn Ovaltine được có 7 điểm thôi.
Nhưng nhấn mạnh là tôi không có ý chê bai những cái tên thương hiệu dài đâu. Không hề. Bạn thích đặt dài thì đặt, nhưng sẽ mất nhiều tiền hơn để khách hàng quen dần và nhớ được tên thương hiệu. Nếu bạn muốn dồn tiền cho cái tên sang mịn dài thì tuỳ, không sao cả. Tất cả phụ thuộc và ngân sách và độ chịu chơi thôi.
Ngoài đặt tên ngắn, có thể đặt tên thương hiệu dễ bằng những từ phổ biến, quen thuộc Apple, Vinamilk, …
Rồi, nếu bạn vẫn không nghĩ ra và còn lười nữa thì có thể làm theo 3 cách sau.
- Cách 1: Dùng tên
Có thể kết hợp tên theo công thức:
Tên + Sản phẩm = Hương Cosmetic, Mỹ phẩm Hương, Hương Nail v.v.
Tên + “Shop/ boutique/ store/ brand" = Hương Boutique, Hương Food…
- Cách 2: Dùng từ phân loại sản phẩm, các từ mô tả việc bán hàng
Sử dụng theo công thức
Từ bạn thích + Sản phẩm bán = Cỏ Cosmetic, Bông Ăn Vặt ...
Từ bạn thích + “Shop/ boutique/ store/ brand…” = Cỏ Shop, Xinh Store...
- Cách 3: Dùng tool :))
Đây là 10 tool gợi ý tên tự động. Ai lười quá và cùng đường rồi thì dùng nhé. Chúc các bạn may mắn với cách này.
- Shopify’s business name generator
- Namelix
- Oberlo’s business name generator
- Wordoid
- Dot-o-mator
- NameStation
- Domain Hole
- Bustaname
- Domainr
- Impossibility!
Bộ nhận diện thương hiệu
Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm logo, màu sắc, hình ảnh, banner, brochure, tài liệu marketing v.v. Trông cơ bản giống hình này.
Khi mới kinh doanh, bạn chỉ cần chú ý đến Logo và màu sắc là ổn rồi.
- Logo: Logo sẽ là một trong số những thứ phải hoàn thiện sớm nhất khi ra mắt cửa hàng chính thức. Nó cũng vô cùng quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Các yếu tố khác có thể dễ dàng đổi, logo thì không như vậy. Logo không phải trang phục, nó là bộ mặt thương hiệu.
Đổi logo cũng giống như đi phẫu thuật thẩm mỹ vậy. Nguy hiểm và hên xui nữa. Giống vụ MB Bank thay đổi logo dạo gần đây. Các bạn có thể dễ thấy được 2 phe rõ ràng. 1 bên bảo logo rất đến cùng cực, bên còn lại bảo vệ và cho rằng nó hiện đại hơn, lúc in ra cũng rất đẹp. Logo của NBC sau khi được đổi bị chê giống như gõ text trong MS Paint
Dĩ nhiên tôi không phủ nhận nhiều thương hiệu có sự tiến hoá vượt bậc về logo. Nhìn qua hình dưới đây các bạn sẽ biết.
Tôi biết, biết mà, Đừng có mắc cười quá. Thêm một số hình nữa về sự tiến hoá logo ở các thương hiệu lớn.
Trở lại với bài học, làm thế nào để thiết kế logo bây giờ?
Khi mới kinh doanh, hình hoạ không phải vấn đề đâu. Khách hàng không quá nhớ hình hoạ đâu, cái họ nhớ là màu sắc logo và tên logo thôi. Nên cũng không cần quá đầu tư hình khối làm gì. Tuy vậy, vẫn phải trông tươm tất một tí. Giống như ra đường đi làm không cần make-up lồng lộn như cũng phải sương sương, quẹt cho tí son vào cho tươi tỉnh người lên đó. Bạn có thể thuê trên các trang Freelancer thiết kế 1 logo tầm 3 triệu đổ xuống là ổn rồi.
Nếu không có tiền, cũng lười thì có thể sử dụng các công cụ làm logo miễn phí như các trang dưới đây:
https://www.freelogodesign.org/
https://www.freelogoservices.com
- Màu sắc: Màu sắc không chỉ thể hiện cá tính thương hiệu của bạn, nó cũng đóng vai trò thúc đẩy quá trình tương tác với khách hàng. Nên tránh chọn màu giống hệt hoặc gây nhầm lẫn với đối thủ cạnh tranh. Còn lại chọn sao thì phụ thuộc vào sở thích và đặc điểm sản phẩm của bạn. Bên cạnh đó, màu sắc cũng có ảnh hưởng đến tâm lý. Nó không chính xác 100% nhưng bạn có thể tham khảo như infographic này.
Trải nghiệm khách hàng
Trải nghiệm khách hàng là những cảm xúc và suy nghĩ xảy ra dựa trên quan điểm cá nhân của mỗi khách hàng. Nếu khách hàng cảm thấy vui vẻ, tự tin điều đó báo hiệu một trải nghiệm tích cực. Nếu họ giận dữ thì đó là điều tiêu cực. Các cảm xúc trung lập như lạnh lùng, chán nản, cảm thấy bình thường đều bị xếp vào Trải nghiệm tiêu cực vì sau cùng, chúng vẫn khiến người tiêu dùng từ bỏ việc mua hàng.
Trải nghiệm khách hàng (CX) là những tiếp xúc với thương hiệu, được chia thành 3 giai đoạn gồm:
- Trước mua hàng - Quá trình tiếp xúc, tìm hiểu sơ bộ và ra quyết định có mua không. -> Bạn có thể tác động bằng việc đưa ra các chương trình quà tặng khuyến khích khách hàng để lại đánh giá sau khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử hoặc trang bán (website/ landing page)
- Trong khi mua hàng - Giao dịch và vận chuyển -> Đảm bảo kết nối với các bên giao hàng uy tín, nên chọn các bên có giao hàng buổi tối như Giao hàng tiết kiệm để hạn chế trường hợp trả lại hàng. Nhớ đóng gói hàng kỹ trước khi gửi đi.
- Sau mua hàng hàng - Trải nghiệm và quyết định gắn kết -> Nhớ gửi kèm một vài mẫu thử sản phẩm, những thứ có ích (ebook, tài liệu) hoặc gửi thiệp cảm ơn. Thiệp cảm ơn có thể làm khách hàng vui hơn vì họ được quan tâm chân thành, cũng là cơ hội để khách hàng nhớ đến cửa hàng của bạn và dễ dàng tìm kiếm khi muốn mua lại lần 2 hơn.
Chất lượng sản phẩm
Có hai vấn đề khi nói về chất lượng sản phẩm.
- Thứ nhất là bạn phải đảm bảo sản phẩm bạn bán là tốt thật như những gì bạn nói: Vấn đề này đơn giản nằm ở khâu tìm nguồn hàng, bạn phải kiểm tra kỹ các sản phẩm, chú ý đến tem mác, hoá đơn chứng từ nếu nhập buôn. Trường hợp nếu là sản phẩm tự sản xuất (đồ thủ công, ebook…) thì nên chú ý đến nguyên vật liệu, với ebook thì chú ý nội dung truyền tải và thiết kế dàn trang.
- Thứ hai là nói thế nào để khách hàng biết là nó tốt: Vấn đề này liên quan nhiều đến các chiến dịch marketing, quảng cáo và cách viết content. Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn khi học đến bài Marketing cơ bản sau.
Giá cả và chiến lược giá
Một khảo sát từ Đại học Kinh Doanh Harvard, giá cứ tăng 1% thì doanh thu ròng sẽ tăng 12-30%. Giá rất quan trọng. Giá quá cao thì không ai mua, giá quá thấp bị nghi hàng giả. Giá bạn chọn nên nằm giữa hai khoảng này.
Khi bán một mặt hàng giống với những người khác. Bạn có thể tham khảo khoảng giá của các đối thủ, và chọn giá ở giữa. Đôi khi chênh nhau 2000đ là đủ làm khách hàng cân nhắc mua của bạn rồi.
Trường hợp nếu bạn bán một mặt hàng chưa có nhiều đối thủ, chiến lược giá sẽ phụ thuộc vào chi phí bạn phải bỏ ra để sản xuất sản phẩm, chi phí vận hành, lợi nhuận kỳ vọng. Thường thì người ta hay lấy chi phí sản xuất nhân 3 để ra giá bán để đảm bảo có lãi và vận hành được việc kinh doanh ổn định. Sẽ có một bài riêng về giá để các bạn học kỹ hơn.
Chứng nhận, giải thưởng và tính độc đáo thương hiệu
Mục này có thể thể hiện qua giải thưởng, giấy chứng nhận, danh hiệu, hoá đơn chứng từ. Cách thường làm của hội bán hàng trên sàn như Shopee là show mấy tờ hoá đơn mua hàng. Nhìn không biết thật giả ra sao nhưng có còn hơn không.
Ngoài ra trên hình sản phẩm, các bạn cũng nên chèn các loại nhãn như thế này để tạo thêm niềm tin cho khách hàng:
---Nội dung bản quyền thuộc về ECOMME