Tại sao chúng ta cứ bị “dụ” mua thêm?

Tại sao chúng ta cứ bị “dụ” mua thêm?

Shopee hoàn xu

Ai trong chúng ta cũng có ham muốn sở hữu nhiều thứ ngon, đẹp, độc, lạ...???

Cảm giác này đến từ sự sợ hãi và cảm giác bất an. Sợ ở đây theo tôi là sợ thiếu thốn, sợ thua kém hay cảm giác ghen tị. Cơ chế này tồn tại một cách hiển nhiên hoặc không ý thức trong mỗi con người ở những mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, chuyện đã không có gì to tát nếu như giới quảng cáo và marketing không khai thác thái quá và trục lợi từ góc tối sâu thẳm này của con người. Tôi cũng làm trong ngành marketing và thú thật, đôi khi tôi thấy bản thân mình không ít tội lỗi.

Quảng cáo lúc nào được thiết kế để thúc đẩy chúng ta ham muốn nhiều hơn và mua nhiều hơn. Và cũng bởi vì những thiên tài về marketing và copywriter đã làm điều này quá tuyệt vời nên chúng ta cuối cùng lại càng ngày càng muốn nhiều hơn những thứ mình cần.

Khi chúng ta muốn nhiều hơn, chúng ta phải làm việc nhiều hơn, nợ nhiều hơn, stress nhiều hơn, rồi lại bỏ tiền vào mua sắm nhiều hơn. Một cái vòng luẩn quẩn. Chủ nghĩa tiêu dùng cũng ra đời từ đó.

Nhưng tôi đã quyết định không chơi trò chơi này nữa và tìm đến chủ nghĩa tối giản như một cách cứu rỗi.

Nghĩ mà xem, nếu xã hội này không có những chiến dịch quảng cáo hầm hố, rầm rộ, những mẩu quảng cáo TV hào nhoáng, chắc chúng ta cũng không đạp tung cửa mà lao đi mua sắm với tốc độ điên cuồng như thế.

Nhưng ai đó sẽ lại nói, nhưng vậy thì sao mà kinh tế nước nhà phát triển? Kinh tế nước nhà phát triển chẳng có liên quan gì đến việc "dụ" người tiêu dùng phải tiêu xài nhiều hơn cả. Tôi tin rằng mỗi sản phẩm nếu có thể giải quyết được đúng vấn đề của người tiêu dùng thì nó chẳng cần phải nói quá lên như nhiều mẩu quảng cáo đang làm như bây giờ.

Với tôi, chỉ có một sản phẩm tồi mới phải "gân cổ" lên mà quảng cáo, hoặc phải dùng những thủ thuật đánh vào tâm lý người tiêu dùng.

Và sự thật là chúng ta càng tiêu dùng mạnh hơn thì lạm phát thường sẽ diễn ra nhanh hơn, đồng tiền lại mất giá hơn và chúng ta lại mua được ít hơn, và chúng ta lại vay thêm và nợ nhiều hơn.

Tôi đã dừng lại và tự hỏi mình, tại sao cứ phải lao vào cái vòng xoáy không lối ra đó đến khi chúng ta trút hơi thờ cuối cùng? Vậy cuộc sống đơn giản là được sinh ra và tiêu dùng cho đến khi được đóng vào quan tài?

Phải chăng chúng ta đang muốn quá nhiều thứ mà chúng ta thực sự không cần? Thời buổi này, chỉ cần nhìn qua một quảng cáo, xem một review sản phẩm của các KOL, hoặc đơn giản là thấy bạn bè post hình quần áo đẹp đẽ hoặc đi du lịch khắp nơi là chúng ta lại phát sinh ham muốn một cách tự động.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải chậm lại và phân biệt đâu là ham muốn được tạo ra từ quảng cáo và mạng xã hội và đâu là nhu cầu thực sự của bản thân.

Khi bước vào một quán café, nhìn lên menu, bạn có thấy một món nước thường có 2 size vừa và lớn, hoặc 3 size nhỏ, vừa và lớn không? Tôi chắc chắn đa phần các bạn sẽ chọn size lớn vì mức giá chênh không bao nhiêu. Đây là thủ thuật chim mồi để đẩy người mua chọn size lớn hơn.

Tôi cũng là một trong những con mồi của thủ thuật này, và tôi đã tìm ra một cách để phòng thủ. Đó là luôn chọn size nhỏ dù nhân viên có gạ gẫm kiểu gì đi nữa.

Tin tôi đi, bạn có thể thử nghiệm vào quán 2 đến 3 lần và mua đủ mỗi lần 1 size. Bạn sẽ thấy có 2 thực tế như sau. Một là bạn chả thấy sự khác nhau về size giữa các mức giá, có chăng là ly của bạn nhiều đá hơn mà thôi. Hai là cái ly size lớn nó nhiều hơn mức mà bạn có thể uống hết, lãng phí.

Vậy thôi ta cứ chọn size nhỏ đi mặc cho người bán có gạ gẫm gì chăng nữa. Size nhỏ sinh ra là có lí do của nó, cớ sao các bạn cứ dụ chúng tôi up size?

Một ví dụ khác, khi tôi đi massage với vợ tôi, 2 vợ chồng làm dịch vụ xong rất vui vẻ thì bạn tiếp tân có hỏi vợ tôi có muốn làm thẻ thành viên với 10 lần massage giá rẻ hơn nhiều so với đi lẻ. Vợ tôi quay ngay sang tôi nói, anh ơi mua không, giảm được tới x%.

Tôi nhẹ nhàng hỏi nàng, mình à, mình có đi massage ở đây thường xuyên không vì tôi biết vợ tôi chả gắn bó với một chỗ massage nào quá lâu. Vợ tôi ậm ừ và nói thôi. Đó là một ví dụ cho thấy bạn cần phải hiểu rõ nhu cầu thực sự của bản thân trước những cám dỗ và mời gọi.

Nói cho đã rồi thì bây giờ tôi xin đúc kết ra 3 mẹo nhỏ để chúng ta có thể tiêu dùng một cách tối giản hơn mà vẫn thấy thoả mãn:

1. Hãy dừng lại và hít một hơi thật sâu để cân bằng cảm xúc trước những cơn "ham muốn" ập tới.

2. Xác định cho mình những khoảng thời gian chờ trước khi mua một thứ gì đó không phải là bức thiết. Ví dụ 1 món khoảng 3 triệu đồng, hãy chờ khoảng 24 tiếng trước khi quyết định. Thời gian chờ sẽ dài hơn nếu món hàng có giá trị càng cao.

3. Nên xoá bớt các app về social media trên điện thoại để giảm ảnh hưởng của mạng xã hội tới quyết định mua sắm.

Vậy bạn đã tìm ra câu trả lời cho tiêu đề của bài viết này chưa? Tại sao chúng ta cứ bị "dụ" mua thêm? Đó là tại chúng ta đó thôi. Vì thế, hãy sáng suốt trước mọi lời đường mật tiêu dùng đặc biệt là quảng cáo và mạng xã hội. Hiểu rõ bản thân để biết mình muốn gì. Chúng ta không cần quá nhiều như thế để tồn tại đâu. Tin tôi đi.

Theo mrthang.net


Shopee hoàn xu

DMCA.com Protection Status

Bài viết liên quan

Sống trọn vẹn từng ngày
SAI LẦM LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI LÀ GIÚP ĐỠ MẤY KẺ KHÔNG BIẾT ĐIỀU!
7 ngôn ngữ cơ thể giúp bạn trở nên thành công hơn
Tại sao tư duy phản biện quan trọng trong thế giới hiện đại
Điều cấm kỵ khi giao tiếp với đối tác nước ngoài
Đâu là giới hạn trong sự nghiệp của bạn?