10 cách cải thiện kỹ năng giao tiếp nơi công sở
- 1. Mỉm cười
- 2. Thấy được ưu điểm của người khác
- 3. Chú ý đến những người xung quanh
- 4. Luyện thói quen lắng nghe một cách tích cực
- 5. Tạo môi trường làm việc giúp gắn kết tình cảm giữa mọi người
- 6. Giúp hoà giải mâu thuẫn
- 7. Cân nhắc lời nói của mình
- 8. Thể hiện đúng cách sự hài hước
- 9. Nhìn sự việc từ quan điểm của người khác
- 10. Đừng phàn nàn
Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của những kỹ năng giao tiếp tại nơi làm việc. Cách cấp trên và các đồng nghiệp đánh giá bạn giữ vai trò chủ chốt trong những vấn đề như sự thoải mái hàng ngày tại công sở hay thậm chí cho công việc tương lai của bạn.
Nghệ thuật lắng nghe
Cho dù bạn là một người làm việc chăm chỉ hay thường xuyên có những ý tưởng sáng tạo nhưng nếu không thể hoà đồng với các đồng nghiệp thì công việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Hãy tham khảo 10 gợi sau đây để nâng cao kỹ năng giao tiếp và gần gũi hơn với các đồng nghiệp của mình
1. Mỉm cười
Chẳng ai muốn ở cạnh một người mặt mũi suốt ngày cau có. Hãy cho đồng nghiệp thấy bạn là một người thân thiện. Đồng thời giữ một thái độ tích cực và hứng khởi đối với công việc và cuộc sống. Thường xuyên nở nụ cười. Chính nguồn năng lượng toả ra nơi bạn sẽ giúp lôi kéo những người khác về phía mình.
2. Thấy được ưu điểm của người khác
Hãy tìm ra ưu điểm của những người cùng làm việc với bạn và giúp họ thấy điều đó. Đừng tiếc lời ngợi khen và khuyến khích người khác. Nói lời cảm ơn khi ai đó giúp đỡ bạn. Và hãy để đồng nghiệp thấy họ được chào đón khi gọi điện đến hay ghé vào văn phòng của bạn. Nhớ cư xử với người khác theo cách mà bạn muốn họ đối với mình.
3. Chú ý đến những người xung quanh
Quan sát những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mọi người xung quanh bạn. Chúc mừng khi họ có chuyện vui và bày tỏ sự cảm thông cũng như sự chia sẻ nếu họ gặp khó khăn hay có chuyện không may. Luôn nhìn vào mắt người khác khi trò chuyện và gọi đồng nghiệp bằng tên. Và cuối cùng hãy lắng nghe ý kiến của họ.
4. Luyện thói quen lắng nghe một cách tích cực
Điều này thể hiện bạn có ý định lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của người khác một cách cẩn thận. Nói cách khác, bạn diễn đạt lại những gì người khác nói bằng ngôn ngữ của mình. Nhờ vậy bạn sẽ hiểu được ý của họ và người đối thoại cũng biết rằng bạn đang đáp lại một cách thật lòng. Đồng nghiệp của bạn sẽ đánh giá cao khi biết rằng bạn đang thực sự lắng nghe.
5. Tạo môi trường làm việc giúp gắn kết tình cảm giữa mọi người
Tạo ra môi trường khuyến khích mọi người làm việc cùng nhau. Đối xử công bằng và không thiên vị ai cũng như tránh nói xấu đồng nghiệp. Lắng nghe những kiến nghị của người khác đồng thời kiểm tra lại những thông tin trước khi muốn đưa ra một phát biểu hay thông báo. Một người có quan điểm rõ ràng và công bằng sẽ chiếm được lòng tin của người khác.
6. Giúp hoà giải mâu thuẫn
Đây là bước tiếp theo bạn cần làm sau khi tạo ra môi trường làm việc thân thiện. Hãy học cách trở thành một người trung gian chuyên giải quyết các xung đột một cách hiệu quả. Nếu đồng nghiệp của bạn bất đồng với nhau về những mâu thuẫn cá nhân hay trong công việc, hãy cùng ngồi xuống và giúp họ hoà giải. Điều này sẽ giúp bạn đạt được sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ những người xung quanh.
7. Cân nhắc lời nói của mình
Chú ý đến nội dung và cách thức bạn nói chuyện để tránh làm người khác hiểu lầm. Lời nói là biểu hiện của trí thông minh và sự chín chắn không phân biệt độ tuổi. Do đó, chẳng ai đánh giá cao ý kiến của một người nói trước rồi mới suy nghĩ.
8. Thể hiện đúng cách sự hài hước
Đừng ngại tỏ ra hài hước hay khéo léo khi chuyện trò. Phần lớn mọi người thường bị thu hút bởi một người có thể làm họ bật cười. Hãy sử dụng óc hài hước như là một công cụ giúp bạn gỡ bỏ những rào cản trong giao tiếp và lôi cuốn sự chú ý của người khác.
9. Nhìn sự việc từ quan điểm của người khác
Ý nghĩa của từ đồng cảm là đặt mình vào trường hợp của người khác để hiểu cảm giác của họ. Hãy nhìn sự việc dưới quan điểm của họ. Có thể điều này sẽ khiến bạn thấy khó khăn do những cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, những người biết kiềm chế những cảm xúc của mình mới có thể đồng cảm với người khác được.
10. Đừng phàn nàn
Không gì tồi tệ hơn là làm việc với một người chỉ biết phàn nàn. Nếu muốn trút tâm sự về điều gì đó, cách tốt nhất là viết nhật ký. Trường hợp muốn trò chuyện với người thân hay bạn bè thì hãy nói một cách ngắn gọn. Đừng làm người khác bực mình nếu bạn không muốn bị mang tiếng là hay phàn nàn
Shopee hoàn xu