Nằm lòng thuật toán của Facebook, TikTok, LinkedIn và Instagram để tạo nội dung viral trên mạng xã hội
Để nội dung mang lại hiệu quả, bên cạnh content và visual thì một trong những yếu tố quan trọng mà social media content cần cân nhắc là thuật toán hoạt động của nền tảng. Mỗi nền tảng có thuật toán hoạt động khác nhau và việc nắm rõ những quy tắc này sẽ là "trợ thủ" đắc lực giúp marketer tăng phạm vi tiếp cận và nâng cao hiệu quả chiến dịch.
Cách lấy UID (User ID) của người dùng Facebook
Hướng dẫn lấy danh sách uid thành viên của group facebook
[Quảng cáo Facebook] Hướng dẫn tạo đối tượng tùy chỉnh từ tệp số điện thoại khách hàng mục tiêu
Thuật toán mạng xã hội là gì và hoạt động như thế nào?
Thuật toán mạng xã hội là một tập hợp các quy tắc và yếu tố phức tạp được sử dụng để phân phối và hiển thị nội dung trên feed của người dùng. Với khối lượng nội dung “khổng lồ” được cập nhật liên tục trong không gian mạng xã hội, nếu không có những thuật toán này, sẽ rất khó để người dùng tiếp cận được nội dung mà họ tìm kiếm.
Thuật toán mạng xã hội hoạt động như thế nào?
Về cơ bản, các thuật toán mạng xã hội sẽ phân tích hành vi của người dùng, sau đó ưu tiên hiển thị nội dung mà nền tảng tin rằng người dùng muốn xem và có nhiều khả năng tương tác nhất. Vì vậy, nội dung trên feed của mỗi người dùng là khác nhau và được làm mới liên tục.
Để phân phối nội dung đến đúng đối tượng quan tâm, các thuật toán mạng xã hội sẽ được phát triển dựa trên ba yếu tố chính:
1. Mức độ liên quan
Mức độ liên quan giữa nội dung và sở thích của người dùng là yếu tố chính tác động đến thuật toán. Người dùng càng tương tác nhiều với một loại nội dung cụ thể trên mạng xã hội thì thuật toán càng tăng khả năng hiển thị nội dung tương tự trên bảng tin.
2. Lọc nội dung không liên quan
Bên cạnh mức độ liên quan, các nền tảng mạng xã hội còn chú trọng vào nội dung từ bạn bè, những người theo dõi và lượt thích của người dùng. Tuy nhiên, các thuật toán này cũng hoạt động theo cách ngược lại. Nếu người dùng không tương tác với một nội dung nào đó từ bạn bè hay lượt theo dõi của họ, thì thuật toán sẽ lọc tất cả những nội dung đó.
Người dùng tương tác càng nhiều với một nội dung nào đó, thì những nội dung tương tự càng được ưu tiên hiển thị
3. Nội dung được tài trợ dựa trên sở thích
Nội dung được tài trợ hay quảng cáo (sponsored), là những quảng cáo trả phí nhắm mục tiêu đến một nhóm đối tượng cụ thể. Tất cả những nội dung quảng cáo hiển thị trên bảng tin của người dùng đều được dựa trên sở thích và sự quan tâm của họ.
Giải mã thuật toán hoạt động của một số mạng xã hội hiện nay
Thuật toán hoạt động của mỗi nền tảng là khác nhau. Dưới đây là thuật toán về cách phân phối và xếp hạng nội dung của một số mạng xã hội quen thuộc.
1. Facebook
Về cơ bản, thuật toán của Facebook đánh giá và "chấm điểm" mọi nội dung bài post, quảng cáo, Story và Reels, sau đó sắp xếp chúng theo mức độ quan tâm giảm dần của người dùng mà không theo trình tự thời gian. Quá trình này sẽ xảy ra mỗi khi người dùng làm mới bảng tin của họ.
Mỗi lần Facebook thay đổi thuật toán là một lần “flop”
Nhiều thay đổi trong thuật toán của Facebook trong những năm gần đây khiến việc tăng tương tác trở nên khó khăn, đặc biệt là các bài đăng không quảng cáo. Nhưng nhìn chung, thuật toán của Facebook vẫn dựa trên ba yếu tố chính:
- Người đăng nội dung: Những nội dung từ các tài khoản (cá nhân, doanh nghiệp) mà người dùng đã từng tương tác sẽ được ưu tiên hiển thị hơn.
- Loại nội dung: Nếu thường xuyên tương tác với một định dạng cụ thể thì người dùng sẽ càng nhìn thấy nhiều nội dung đó trên feed của mình.
- Tương tác với bài viết: Thuật toán sẽ ưu tiên những bài viết có nhiều tương tác, đặc biệt là từ những tài khoản mà người dùng tương tác nhiều.
- Chất lượng nội dung: Tính xác thực, thông tin và độ chính xác của nội dung cũng là những yếu tố xếp hạng quan trọng. Những nội dung kém chất lượng, thông tin sai lệch sẽ bị đẩy xuống cuối feed hoặc bị xóa vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook.
Bên cạnh đó, Facebook cũng cung cấp cho người dùng các tùy chọn giúp họ đào tạo thuật toán và tùy chỉnh bảng tin của mình:
- Danh sách yêu thích: Người dùng có thể chọn tối đa 30 người và trang để thêm vào danh sách yêu thích. Bài đăng từ những tài khoản này sẽ xuất hiện cao hơn trên bảng tin.
- Tùy chọn hiển thị nội dung trên bảng tin: Người dùng có thể tùy chỉnh nội dung trên feed bằng cách hiển thị thêm, bớt, báo cáo nội dung... Tất cả những hoạt động này sẽ cung cấp thông tin cho thuật toán của Facebook về loại nội dung người dùng muốn xem nhiều hoặc ít hơn.
- Facebook sẽ xóa nội dung vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng, đồng thời giảm bớt việc phân phối nội dung mà mọi người thấy phản cảm, chẳng hạn như: thông tin sai lệch, ngôn từ gây thù ghét,...
Nội dung đăng trên Facebook đều cần tuân thủ tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng. Nếu không sẽ bị xóa bài, hạn chế hoạt động. Ảnh: The Verge
2. TikTok
Trang “Dành cho bạn” của TikTok từ trước đến nay vẫn được đánh giá cao bởi khả năng hiển thị các nội dung cá nhân hoá phù hợp với sở thích của người dùng. Theo đó, nền tảng này phân loại nội dung dựa trên ba yếu tố chính: tương tác người dùng, thông tin video, cài đặt tài khoản và thiết bị.
Thuật toán phân phối nội dung trên trang Dành cho bạn (For you) của TikTok dựa trên lịch sử và thói quen tương tác của người dùng
Tương tác người dùng: Thuật toán TikTok sẽ dựa trên lịch sử và thói quen tương tác của người dùng để đề xuất những nội dung tương tự trên trang “Dành cho bạn”. Một số yếu tố được xem xét, bao gồm:
- Những tài khoản theo dõi
- Bình luận đã đăng
- Người tạo hoặc âm thanh đã chọn/ẩn
- Video đã thích hoặc chia sẻ trên ứng dụng
- Video đã thêm vào mục yêu thích
- Video đánh dấu là “Không quan tâm”
- Video đã báo cáo là không phù hợp
- Tỷ lệ xem hết video
- Nội dung đã tạo trên tài khoản cá nhân
Thông tin video: Các thông tin chi tiết về video cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong thuật toán phân phối nội dung của TikTok, bao gồm:
- Chú thích
- Âm thanh
- Hashtag
- Các hiệu ứng
- Chủ đề thịnh hành
Cài đặt thiết bị và tài khoản: Đây là những cài đặt mà TikTok sử dụng để tối ưu hóa hiệu suất. Tuy nhiên, vì chúng dựa trên các lựa chọn cài đặt một lần của người dùng nên không có quá nhiều ảnh hưởng đến những gì họ nhìn thấy trên bảng tin như yếu tố tương tác người dùng hay thông tin video.
Một số cài đặt tài khoản và thiết bị có trong thuật toán TikTok là:
- Tùy chọn Ngôn ngữ
- Cài đặt quốc gia
- Loại thiết bị di động
- Danh mục sở thích bạn đã chọn khi là người dùng mới
Bên cạnh đó, cũng có một số loại nội dung sẽ KHÔNG được thuật toán đề xuất:
- Nội dung trùng lặp
- Nội dung đã xem
- Nội dung bị thuật toán gắn cờ là spam
- Nội dung có thể gây khó chịu
Những nội dung trùng lặp, spam sẽ không được TikTok đề xuất lên trang For you
Một điều thú vị về TikTok là các đề xuất không dựa trên số lượng người theo dõi hoặc mức độ viral của những video trước đó. Tất nhiên, những tài khoản có nhiều người theo dõi có thể nhận được nhiều lượt xem hơn, nhưng nếu người dùng có thể tạo được nội dung phù hợp thì sẽ có cơ hội được lên xu hướng, từ đó thu được nhiều lượt view và tương tác hơn.
3. Instagram
Thuật toán hoạt động của Instagram dựa trên trình tự thời gian nên ưu tiên hiển thị các bài đăng mới. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố tác động đến thuật toán phân phối và xếp hạng nội dung của Instagram như:
- Mối quan hệ giữa người sáng tạo và người xem. Nếu đã từng tương tác nhiều lần với một tài khoản cụ thể thì người dùng có nhiều khả năng nhìn thấy nội dung mới mà họ đăng hơn.
- Mối quan tâm: Khi thuật toán Instagram nhận ra rằng người dùng thích một loại nội dung hoặc định dạng cụ thể, nội dung giống vậy sẽ được hiển thị nhiều hơn.
- Sẽ có sự phân phối bình đẳng hơn giữa định dạng ảnh và video: Sự bùng nổ của video ngắn đã làm cho một nền tảng chuyên chia sẻ hình ảnh như Instagram cũng đẩy mạnh định dạng này. Điều này dẫn đến sự không hài lòng của một bộ phận lớn người dùng. Vì vậy, trong năm 2023, Giám đốc Điều hành Instagram cho biết Instagram đang nỗ lực làm cho thuật toán xử lý video và ảnh bình đẳng hơn.
- Nội dung gốc (Original Content) sẽ xếp hạng cao hơn nội dung được đăng lại.
- Ưu tiên hiển thị nội dung mới: Các bản cập nhật thuật toán của Instagram sẽ ưu tiên hiển thị cho người dùng nội dung mới kể cả từ những người sáng tạo mà họ chưa từng tương tác hay theo dõi.
Những nội dung hữu ích sẽ được hiển thị trên trang chủ Instagram của người dùng cho dù họ không follow
4. LinkedIn
LinkedIn là một nền tảng xã hội dành riêng cho việc xây dựng networking trong công việc và hiện là nền tảng phổ biến nhất được các công ty trong danh sách Fortune 500 sử dụng.
Thuật toán của LinkedIn được phát triển dựa trên sự kết nối và tương tác, vì vậy nội dung hữu ích và thúc đẩy người dùng tương tác là chìa khóa thành công của LinkedIn. Ngay cả khi không có nhiều network, người dùng vẫn có thể mở rộng và tiếp cận network mới nếu có nội dung giá trị.
Thuật toán hoạt động của LinkedIn như thế nào?
Dưới đây là một số cách giúp người dùng khai thác thuật toán của LinkedIn một cách hiệu quả:
- Sử dụng từ 3 đến 10 hashtag trong một bài viết.
- Định dạng video không còn được ưu tiên trên bảng tin.
- Bình luận quan trọng hơn lượt like hay reaction.
- Dwell time (Thời gian dừng để xem hoặc đọc bài đăng) rất quan trọng
- Xây dựng network bằng cách tương tác với những tài khoản có liên quan, khuyến khích nhân viên hoạt động tích cực trên nền tảng hoặc tham gia các nhóm trên LinkedIn.
- Cân nhắc thử nghiệm quảng cáo LinkedIn để phát triển network và tăng khả năng tiếp cận nội dung.
- Thường xuyên phân tích để hiểu nội dung nào hoạt động tốt.
Sự ra đời của các thuật toán mang lại nhiều lợi ích và hầu như vô hại đối với người dùng mạng xã hội bình thường, chẳng hạn như giúp sàng lọc nội dung, cung cấp nội dung có liên quan thay vì các bài đăng ngẫu nhiên. Tuy nhiên, với marketer hoạt động trên mạng xã hội nếu không nắm rõ những thuật toán này, việc mang lại hiệu quả về nội dung sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, marketer cần liên tục thích nghi, thử nghiệm để theo kịp những thay đổi liên tục của các thuật toán.
Theo Hạ Linh advertisingvietnam.com
9 điều bạn chưa biết về UID FacebookShopee hoàn xu