Kinh doanh online toàn tập - Chap 5: Hướng dẫn chọn sản phẩm kinh doanh
Brian Tracy, chủ tịch Brian Tracy International, một công ty chuyên về tư vấn kinh doanh đa quốc gia cho biết: "80% hàng hoá và dịch vụ chúng ta đang dùng hôm nay hoàn toàn khác so với 5 năm về trước. Và 5 năm sau, 80% các mặt hàng cũng thay đổi so với bây giờ".
Cửa số 1 Reseller (lấy hàng buôn rồi bán) kèm với sàn thương mại điện tử đang đánh nhau quá khốc liệt, đây cuộc chơi của giá và quảng cáo số, nói chung là vít. Còn cửa thứ 2 là Private Label (tự làm sản phẩm, thương hiệu riêng) mới đang manh nha ở Việt Nam. Một số ít nắm bắt sớm cũng đã làm nhưng chưa đầu tư mạnh, lão làng làm ngon rồi thường ở ẩn, ít share. Dự đoán 2020 Private Label bắt đầu vào trend, 2021 - 2022 bùng nổ thị trường Việt Nam. Với Private Label, việc chọn tạo - bán sản phẩm gì quyết định rất cao dự án thành công hay thất bại.
Chap 5 này có gì:
- 6 Chiến lược chọn - tạo sản phẩm kinh doanh
- 7 nơi nghiên cứu ý tưởng sản phẩm
- Bộ câu hỏi đánh giá sản phẩm
7 nguyên tắc về chiến lược kinh doanh hiện đại
Tất tần tật các lưu ý, chia sẻ kinh nghiệm mở shop kinh doanh, cửa hàng bán lẻ
6 Chiến lược chọn - tạo sản phẩm kinh doanh
1. Giải quyết 1 nỗi đau cụ thể của khách hàng - Dễ được thị trường chấp nhận
Giải quyết một vấn đề mà khách hàng cảm thấy thiếu, lo lắng hoặc cần thiết luôn là cách hiệu quả nhất để phát triển ra sản phẩm. Vì vốn dĩ người ta đã rất cần, nếu phát triển sản phẩm dựa trên sự cần kíp này, thì khi tung ra thị trường sẽ được đón nhận nhanh hơn. Tylenol sẽ không kinh doanh nếu những cơn đau đầu không gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của dân Mỹ.
Nói đơn giản “nỗi đau” của khách hàng là những thứ khách hàng cảm thấy muốn nhưng thị trường chưa có, chất lượng chưa đáp ứng được, trải nghiệm xấu. Càng thứ gì gây tiêu cực cho khách hàng thì đó lại là cơ hội.
"Nơi nào có lời than vãn, nơi đó hạt mầm kinh doanh nảy nở".
Năm 2013, Sau khi nói chuyện với chủ của những chú chó gặp tại công viên địa phương, 2 founder của Active Hound là Lucy và Zak nhận thấy là những món đồ chơi mà các chủ mua cho chú chó cưng của mình dù rất đắt tiền nhưng độ bền lại quá thấp.
Vấn đề nói trên đã truyền cảm hứng để hai founder của Active Hound tạo ra một sản phẩm là đồ chơi siêu bền cho chó. Sau đó, công ty đã mở rộng nhiều loại sản phẩm khác dành cho chó và trở thành nhà cung cấp đồ chơi, đồ trị liệu dành cho những chú chó cưng với doanh thu hàng năm đạt khoảng 2.5 triệu đô.
Nhìn chung, sẽ thực sự đáng giá mỗi khi bạn thấy thất vọng về một sản phẩm hiện có. Nhận thức sâu sắc điểm đau của khách hàng và cả những phiền toái nhỏ nhặt khiến bạn phải cau có, gào thét hằng ngày. Và chỉ cần thế thôi, ý tưởng về một sản phẩm thật sự có khả năng sinh lợi sẽ ra đời.
2. Dựa vào sở thích và đam mê của nhóm khách hàng cụ thể - Dễ tạo tiếng nói chung với khách hàng
Bản thân bạn có nhiều sở thích và một vài đam mê, khách hàng của bạn cũng thế. Họ thường bỏ qua một vài thứ khác để đầu tư toàn bộ tiền vào những thứ họ mê mệt. Ở tuổi còn xuân sắc độc thân, phụ nữ thích quần áo, son phấn, nước hoa, ô tô ... Nhưng một hoạ sỹ sẽ có đam mê vô hạn với màu, cọ, giấy, tẩy. Thế là khoản tiền được phép chi tiêu hàng tháng sẽ dành cho những thứ như vậy. Chúng ta gọi đây là sự "tiêu tiền ngọt ngào". Bạn sẵn lòng và khao khát được tiêu tiền chứ không hề tiếc rẻ.
Vì thế quay trở lại với chọn sản phẩm. Bán một sản phẩm liên quan đến sở thích đại chúng cũng rất tiềm năng. Thay vì bán đủ thể loại ba lô khác nhau. Bạn chỉ bán một loại ba lô, túi xách với chất liệu canvas chống nước và hoạt tiết hoa hồng. Cathkidston đã làm như vậy và rất thành công. Cái túi nào của hãng cũng có hình hoa hết. Vậy là bất cứ ai thích hoa đều tìm đến hãng để mua ba lô.
Ưu điểm nữa của việc xây dựng sản phẩm từ sở thích hay đam mê của người tiêu dùng là tăng khả năng tái mua hàng và dễ xây dựng quan hệ cảm xúc với khách hàng hơn.
3. Đi theo tiếng gọi con tim - Độc đáo và đầy cảm hứng
Mặc dù việc phát triển sản phẩm theo đam mê và sở thích của cá nhân bạn có thể mang tính may rủi. Đương nhiên rồi, cái bạn thích chưa chắc người khác đã thích. Nhưng tuy nhiên không có thứ gì là xấu hoàn toàn. Việc lựa chọn và phát triển ý tưởng sản phẩm dựa trên sở thích và đam mê của bạn có thể tạo nên sự độc đáo, riêng biệt và nếu chọn được đúng thị trường ngách và tệp khách hàng thì sẽ làm nên tiếng vang lớn.
Nhìn chung chiến lược chọn sản phẩm này đi theo kiểu được ăn cả ngã về không. Nếu nó thành thì sẽ rất thành công, nếu nó không được chấp nhận thì sẽ thất bại. Cứu vớt thì vẫn được nhưng vấn đề là khả năng chịu lỗ của bạn cao hay không.
Bạn nào mê thời trang ở đây có thể sẽ biết Thuy Design House, một thương hiệu áo dài khá đỉnh ở thị trường quốc nội.
Tương truyền trong những năm đầu tiên khi thành lập, thương hiệu cũng lỗ dài. Sau đó khi vượt qua được giai đoạn này thì tên tuổi của Thuy Design lên với một loạt hình ảnh người nổi tiếng nước ngoài diện và cả fashion show nội địa liên miên nữa. Hiện nay thương hiệu này rất đình đám về áo dài tại Việt Nam và cũng đang dần xây dựng được tên tuổi trên thế giới.
Ưu điểm nữa của việc chọn sản phẩm kinh doanh từ đam mê là nó mang đến cho Founder sự kiên trì, nhẫn nại và tỉ mỉ với sản phẩm vì thời gian đầu chắc chắn có nhiều rào cản trong khâu sản xuất. Đó cũng là sự chăm chỉ và hào hứng phát triển doanh nghiệp của mình mà những Founder chọn sản phẩm theo chiến lược khác không có. Bạn sẽ trải nghiệm từng giây phút tạo ra sản phẩm như một thú vui và ham muốn. Nhìn chung điều này tốt vì nó là một câu chuyện thú vị để kể, chắc chắn sẽ làm tăng sức hấp dẫn cho thương hiệu.
Eric Bandholz khá nổi tiếng trong cộng đồng bán hàng trên Shopify. Ban đầu, anh ta viết blog chuyên thảo luận về chiến lược kinh doanh và bán hàng. Dần dần sau đó, Eric cảm thấy đam mê với những bộ râu quai nón. Thế rồi anh ta biến mấy bộ râu đó thành một phong cách sống hoàn toàn mới trên blog của mình và khi nó gây được ảnh hưởng, Eric tách ra thành một thương hiệu riêng chuyên bán sản phẩm chăm sóc và mọc râu với tên gọi Beardbrand. Tôi đánh giá rất cao về thiết kế trang bán hàng của thương hiệu này. Nếu bạn có bán hàng trên shopify hoặc cho thị trường nước ngoài thì học hỏi thêm.
4. Xem xét kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn - Lợi nhuận cao, lợi thế từ các mối quan hệ công việc
Sau một thời gian làm việc dài hơi trong một ngành, bạn có gì? Sự trưởng thành về cả lẽ sống và kinh nghiệm chuyên môn. 5 - 7 năm mài mông ở văn phòng hoặc tốc hơi chạy ngoài đường (tuỳ công việc), bạn tạm được là senior trong giới. 7 năm thì cũng ngót nghét gần trở thành chuyên gia rồi.
Nếu đã tích lũy kinh nghiệm được ngần ấy và khá tự tin với đủ thể loại đồng nghiệp cao lão, ít tuổi hơn thì bạn có thể bắt đầu nghĩ đến việc phát triển mớ kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành đó thành công việc kinh doanh riêng. Và hay là nó rất khó để người khác có thể sao chép.
Ví dụ về vấn đề này, theo như tôi quan sát thì không cứ gì trong ngành truyền thông. Hầu hết ở mọi ngành cứ sau khoảng 5-7 năm, các nhân viên ưu tú sẽ tách ra làm kinh doanh riêng. Một số người vẫn làm fulltime nhưng vẫn mở thêm một dự án kinh doanh trái tay nữa. Có lần tôi nghe tiền bối làm bên công ty giống cây trồng kể rằng công ty chị có một anh trưởng phòng, anh vẫn đi làm fulltime bình thường nhưng thu nhập chủ yếu không phải từ lương mà đến từ một cái vườn bưởi bự chảng do anh làm chủ.
Hầu hết các agency nhỏ về truyền thông bây giờ cũng đều là sản phẩm của các chuyên gia cả. Chắc tôi cũng không phải ví dụ gì nhiều về kiểu sản phẩm từ kinh nghiệm này nữa. Bạn giỏi cái gì thì làm luôn sản phẩm về cái đó.
Ba loại hình là bán khoá học, sách và làm Youtuber là 3 ý tưởng được nhiều người chọn nhất hiện nay khi đã có kinh nghiệm chuyên môn ổn vì nó dễ thực hiện, rủi ro thấp và không cần mô hình kinh doanh phức tạp, không cần nhiều nhân sự thực thi.
5. Nắm bắt xu hướng - Dễ bán trong một thời điểm nhất định, phù hợp cho kinh doanh mùa vụ
Bắt trend không khó, nhanh nhạy với thời cuộc chút là được. Trend xuất hiện ở thời sự, các tin sốc, scandal, trích dẫn. Kinh doanh cho giới trẻ thì chắc chắn nên follow kenh14, beatvn. Nữa thì tham gia thêm các hội nhóm kiểu hóng biến, hóng drama v.v. Nhìn chung thì sản phẩm bắt trend sẽ tạo nên kinh doanh nở rộ trong một thời điểm nhất định.
Ví dụ trong năm nay, sự vụ hot hòn họt là bảo vệ môi trường, dọn rác và ô nhiễm không khí. Với 2 sự vụ này, chúng ta quan sát thấy một loạt các doanh nghiệp ăn theo mọc lên như nấm. Với bảo vệ môi trường, chúng ta có ống hút tre, ống hút cỏ, cốc giấy, bát giấy, ống hút gạo.
Tuy nhiên, kiểu chiến lược nào thì cũng có nhược điểm. Vì xu hướng xuất hiện liên tục và như thế cái gì cũ sẽ bị lãng quên. Về cơ bản vấn đề môi trường thời nào cũng có, lúc nào cũng hiện hữu nhưng không phải tháng nào nó cũng rộ lên thành phong trào. Chọn sản phẩm bắt trend thường không kéo dài lâu, sau rồi nó cũng sẽ tắt ngúm nếu như không kể được một câu chuyện mới mẻ hơn trong sản phẩm.
Nhân tiện, để bắt trend hãy tham khảo một số nơi sau
- Báo điện tử: Kenh14, vnexpress, dantri v.v. - để không bỏ lỡ thị phi đời sống chính trị xã hội sâu bít.
- Mạng xã hội: Facebook, Instagram, Twitter - cho những người thích đi lượm ve chai và vàng cùng lúc.
- Bạn bè: Xem chúng nó đang kháo nhau điều gì
- Reddit: Một nơi hỗn tạp cho những con nhà thích hóng chuyện năm châu
- Google Trend: hơi bị chung chung nhưng cập nhật rất nhanh từ khóa, tin hot
- Trendhunter.com: Một trang khá hay về các thứ hot trên toàn thế giới
6. Khảo sát sản phẩm đang bán chạy từ thị trường - Có nhiều thông tin từ người đi trước, có khách hàng ngay
Tham khảo qua một vài trang web chuyên về thương mại điện tử và nghiên cứu xem mặt hàng nào đang hot trong nhóm sản phẩm.
Với Amazon, hãy xem ở các mục như: Amazon Best Sellers, Amazon Most Wished For, Amazon Movers & Shakers
Với Etsy, hãy xem các mục: Etsy Most wanted, Etsy Best selling items, Etsy Most popular item
Với eBay: Trending on eBay
Hãy tham khảo thêm dữ liệu từ Amazon. Riêng với Amazon một vài công cụ có thể sử dụng để nghiên cứu về sản phẩm như Egrow, Amzscout, Helium10. Công cụ cho phép đo lường doanh số bán ra của các cửa hàng trực tuyến, chỉ số lãi, độ lớn của thị trường…
Ưu điểm của chiến lược tìm sản phẩm này là sản phẩm có thị trường sẵn rồi. Dễ tìm nguồn hàng sỉ. Khi đẩy sản phẩm vào thị trường không cần lo về phát triển sản phẩm và chỉ cần chiến lược giá, quảng cáo và chăm sóc khách hàng. Nhược điểm là có nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là những cửa hàng có tiếng lâu hay nhà giàu vít tiền quảng cáo không cần nhìn số sẽ khiến người mới mất lượt chơi. Thị trường nhuộm đỏ cũng khiến bạn khó cạnh tranh và dễ nản.
7 nơi nghiên cứu ý tưởng sản phẩm
1. Cộng đồng dân cư
Nếu bạn chăm đi chợ, lượn lờ hàng quán xung quanh khu mình sống bạn sẽ biết được khá nhiều thông tin thú vị đấy. Đi ngang qua một quán tạp hoá mà thấy có người hỏi sản phẩm A mà cửa hàng không có bán thì bạn có thể khảo sát xem nhiều người thích sản phẩm đó không mà tính bán riêng.
Lắng nghe những câu chuyện xóm làng đôi khi cũng có ích. Nếu chú ý, bạn có thể biết về những căn bệnh mà mọi người đang nói đến, dĩ nhiên đi kèm với đó là người ta luôn hỏi về loại thuốc hiệu quả. Người cao tuổi hay mua thuốc qua giới thiệu từ người quen lắm, các bác cũng thích Đông Y nữa. Nói đến đây chắc mọi người đã hiểu rồi.
2. Báo cáo nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng
Thông thường các công ty về xu hướng tiêu dùng thường có nhóm điều tra thị trường riêng để tạo ra báo cáo, insight về thị trường hiện tại và đặc biệt là dự đoán các xu hướng tương lai.
iPrice: Một trang phân tích về xu hướng tiêu dùng tốt hoạt động trên toàn thế giới, hiện đã có văn phòng tại Việt Nam.
Trên thế giới, một số trang bạn nên thường xuyên lui tới là: TrendWatching, Trend Hunter, Alltop, 3 trang đều là tiếng Anh.
TrendWatching: Có một đội ngũ chuyên gia riêng để nghiên cứu về thị trường trên toàn thế giới. Hiện trang này có trụ sở ở nhiều thành phố lớn trên toàn thế giới. https://trendwatching.com/
Trend Hunter: Một cộng đồng chuyên cập nhật xu hướng mới nổi toàn thế giới. Trend Hunter có hơn 137.000 thành viên cốt cán chuyên đi rình tin và 3.000.000 theo dõi toàn cầu. Hai công cụ này có lẽ hợp với anh chị em bán hàng quốc tế và dropship hơn. https://www.trendhunter.com/
Alltop: Để tìm kiếm về các trang thông tin hàng đầu trên thế giới, hãy truy cập https://alltop.com/. Trang này liệt kê một loạt trang web uy tín và hot nhất về hầu hết các chủ đề từ giải trí, thể thao đến kinh doanh.
3. Các trang chuyên về xu hướng sản phẩm mới, độc lạ trên thế giới
Mấy bạn tốt tiếng Anh một xíu có thể sẽ tìm thấy nhiều cơ hội ở các trang web kiểu thế này. Đặc biệt là đồ các bạn tự thiết kế. Các trang web kiểu xu hướng thường là sản phẩm chưa được sản xuất hàng loạt mà chỉ khi có đơn hàng thì mới bắt đầu làm sản phẩm. Vì thế có thể sẽ hơi lâu mới có doanh thu nhưng lại rất chắc chắn. Hãy xem qua các trang tôi liệt kê dưới đây để chọn một sản phẩm ưng ý.
https://uncrate.com/style/: Một trang web chuyên về các sản phẩm phong cách sống, thời trang, điện tử… độc lạ cho cánh mày râu trên toàn thế giới. Hãy xem danh sách các sản phẩm đã “hết hàng" để biết thứ gì đang được các anh trai trên địa cầu yêu thích. Uncrate cũng cho phép bạn quảng cáo trên này, nhưng vì giá hơi đắt nên tôi không khuyến khích.
https://coolmaterial.com: Thêm một trang web nữa chuyên cập nhật hot trend về những thứ mà cánh đàn ông thế giới đang phát cuồng. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều về mẫu mã sản phẩm. Trang web này có mọi thứ từ đôi tất đến giày và cả các bài báo mà một nửa kia thế giới yêu thích. Nếu bạn chuẩn bị bán hàng cho nam giới (khi bạn là nữ) thì hãy truy cập và ngâm cứu dần
https://fancy.com: Một trang tổng hợp nhiều loại sản phẩm khác nhau cho tất cả mọi người. Bạn có thể chọn ý tưởng sản phẩm từ những sản phẩm được điểm fancy cao trên trang này.
https://forums.thefashionspot.com/: Một diễn đàn chuyên thông tin chuyên ngành (thậm chí người ta còn bàn luận về tiểu sử của các bộ quần áo và vải vóc) và sản phẩm cho phái đẹp.
4. Trang thương mại điện tử chuyên hàng sỉ (B2B)
Các trang thương mại điện tử chuyên bán sỉ (B2B) trên toàn thế giới rất phù hợp nếu bạn muốn làm dropship hoặc bán qua shopify, etsy:
Alibaba, Oberlo, TradeKey, Global Sources, Made-in-China, Wholesale Central.
Nhân nói đến Dropship, nếu ở Việt Nam các bạn có thể vào Netsale để bắt đầu tập dropship trên Shopee hay Lazada.
5. Các sàn thương mại điện tử bán lẻ
Nghiên cứu độ lớn thị trường thông qua từ khoá của sàn
Trên thế giới: eBay, Amazon, Etsy, AliExpress, ...
Việt Nam: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Adayroi...
6. Đánh giá của khách hàng về sản phẩm
Gì chứ cái này thì chắc mọi người quá quen rồi vì đâu đâu cũng có đánh giá. Nhưng hãy cảnh giác có rất nhiều đánh giá là giả. Tốt nhất bạn nên lọc các đánh giá xấu về sản phẩm trước khi đọc cái tốt. Nên đọc đánh giá từ các bên chuyên thứ ba khách quan hoặc trên sàn thương mại điện tử công khai.
7. Các trang gây quỹ cộng đồng
Thế giới: Kickstarter, Crowdfunding, InnoCentive, Chaordix, IdeaConnection, Fundable
Việt Nam: Comicola, Fundstart, Betado
Bộ câu hỏi đánh giá sản phẩm
Dưới góc nhìn cá nhân
- Bạn có thích sản phẩm mà mình định bán không?
- Bạn có sử dụng hay muốn sử dụng sản phẩm mà mình định bán/ lên kế hoạch phát triển không?
- Bạn có tự tin bán sản phẩm dự định đó cho bố mẹ, bạn thân và hàng xóm không?
- Bạn có tin mình sẽ bán sản phẩm đó trong 5 - 10 năm tới hay không?
Dưới góc nhìn khách hàng
- Sản phẩm giúp được gì cho khách hàng. Họ sẽ giành được gì, tránh được gì hay giữ được gì nhờ sản phẩm của bạn?
- Sản phẩm có cải thiện cuộc sống hay công việc cho khách hàng không?
- Bạn sẽ bán sản phẩm cho tệp khách hàng nào?
- Bạn có yêu mến khách hàng sử dụng sản phẩm của mình không. Tệp khách hàng của bạn có phải nhóm người mà bạn thích giao thiệp trong cuộc sống không hay bản thân bạn ghét những người như vậy?
Dưới góc nhìn thị trường
- Nhu cầu với sản phẩm có đủ lớn không, đủ tạo ra lợi nhuận không?
- Ở khoảng giá nào người ta chấp nhận mua?
- Gía sản phẩm là bao nhiêu, lợi nhuận chiếm bao nhiêu % trên giá?
- Thị trường hiện nay có thật sự cần sản phẩm không
- Sản phẩm có tốt hơn hay khác biệt, mang đến giá trị đổi mới so với sản phẩm khác trên thị trường không, có giải quyết vấn đề cụ thể gì không?
- 3 điểm vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh là gì?
- Giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh hay chất lượng sản phẩm vượt trội hay có bất cứ điểm đặc biệt nào không?
Dưới góc nhìn sản phẩm
- Chính xác là bán cái gì, mô tả cụ thể. Giả sử có sản phẩm rồi thì mô tả sản phẩm thế nào với khách hàng, người thân cho dễ hiểu?
- Chiến lược chung để bán sản phẩm là gì, qua kênh nào, tập trung online hay offline?
- Sản xuất sản phẩm như thế nào?
- Có bán được sản phẩm ở thị trường nước ngoài không?
- Làm thế nào để giao sản phẩm đến tay khách hàng? Chi phí thế nào?
- Giả sử phải đổi trả hàng thì làm thế nào? Xử lý như thế nào?
- Độ bền của sản phẩm ?
- Sản phẩm có nhiều mẫu mã hàng khác nhau không?
- Sản phẩm có phù hợp với dịch vụ đăng ký mua tự động không?
- Sản phẩm có tính chất mùa vụ không?
- Kích thước và trọng lượng của sản phẩm như thế nào?
- Có phải sản phẩm dùng 1 lần không?
- Sản phẩm có phải thực phẩm dễ hỏng không?
- Sản phẩm có thuộc danh mục hàng cấm hoặc hạn chế theo luật pháp không?
Trong bài sau, chap 6, chúng ta sẽ đến với các kiến thức, thông tin và ví dụ liên quan đến nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh.
---Nội dung bản quyền thuộc về ECOMME
100 quy luật bất biến để thành công trong kinh doanh, làm giàu và cuộc sốngShopee hoàn xu